Trước những yêu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng sản phẩm nên việc nâng cao năng suất và chất lượng nông sản đang là mối quan tâm hàng đầu của người nông dân. Trong đó, cần thiết phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng các kỹ thuật sinh học trong canh tác, mang lại chất lượng cho người tiêu dùng và giá trị cho người sản xuất.
Với tư duy nhanh nhạy, chủ động tiếp cận với xu thế mới, anh Nguyễn Đắc Thành, xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch đã tiên phong ứng dụng công nghệ số vào trồng thanh long ruột đỏ. Với quy mô khoảng 10ha, mô hình được đầu tư hệ thống tưới, bón phân tự động, hệ thống giám sát và dự báo khí hậu tự động.
Nhờ lắp đặt hệ thống tưới phun gốc tự động, giờ đây anh Thành chỉ cần bật nút vận hành, cây thanh long của gia đình đã được cấp đầy đủ lượng dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu. Ưu điểm của công nghệ này là tăng mật độ trồng và sản lượng; lượng nước được phân bố đồng đều ở các vị trí gốc cây, điều tiết được độ ẩm giữa các hàng cây giúp hệ thống rễ của cây phát triển mạnh, được cung cấp vừa đủ nước, tiết kiệm được 50% lượng nước so với cách tưới truyền thống. Bên cạnh đó, anh Thành đã ứng dụng hệ thống chiếu sáng thông minh, giúp can thiệp vào quá trình ra hoa kết trái của cây thanh long để giúp tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế của sản phẩm.
Với biện pháp chong đèn kích thích thanh long ra hoa, nông dân chủ động cho thanh long ra hoa trái vụ theo ý mình, từ tháng 10 đến tháng 12 nhằm tăng số lần thu hoạch lên 15-16 đợt/năm và giá bán cao từ thu trái vụ cũng như tránh được tình trạng được mùa mất giá, đáp ứng nhu cầu thị trường quanh năm. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn của thanh long ruột đỏ trên địa bàn tỉnh,từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0.
Thùy Linh