Cập nhật: 17/02/2025 07:42:00
Xem cỡ chữ

Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngư dân tỉnh Trà Vinh tất bật chuẩn bị ngư cụ, thực phẩm, nhiên liệu để ra khơi, bám biển. Những ngày này, các dịch vụ hậu cần nghề cá tại Cảng cá Ðịnh An, thị trấn Định An, huyện Trà Cú diễn ra nhộn nhịp, sôi động...

Ngư dân Trà Vinh thực hiện nghi thức ra khơi tại cửa biển Cung Hầu trong đợt diễn ra lễ hội Nghinh Ông của huyện Cầu Ngang.

Ngay sau Tết, ông Trần Công Ðức ở khóm 1, thị trấn Ðịnh An, huyện Trà Cú liên hệ bạn tàu, theo dõi diễn biến thời tiết Biển Đông, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhiên liệu cho ba đôi tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 380 CV/tàu) của gia đình chuẩn bị ra khơi. Gia đình ông Đức gắn bó với nghề đánh bắt hải sản xa bờ gần 50 năm qua ở ngư trường các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau.

Theo ông Đức, hằng năm, từ tháng 1 đến tháng 3, gió yên, biển lặng, thuận lợi cho đánh bắt hải sản. Lẽ ra thời điểm này 6 tàu cá của gia đình ông Đức đã ra khơi. Thế nhưng theo dự báo thời tiết, trên biển có đợt gió mạnh cho nên ông Đức quyết định neo tàu tại Cảng cá Định An và sẽ có chuyến xuất hành ra khơi sau khoảng 10 ngày nữa.

Ông Trần Công Ðức cho biết thêm, do giá dầu tăng cao, chi phí mỗi chuyến biển tăng hơn 50%, bù lại, giá các loại cá, mực cũng tăng đáng kể. Trước Tết, sau khi tàu cập cảng bán hải sản, trả tiền thuê bạn tàu, thuyền trưởng, gia đình ông Đức có lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/chuyến biển.

Gia đình ông Trần Thanh Thưởng cũng ở khóm 1, thị trấn Định An, huyện Trà Cú có một tàu cá chiều dài dưới 15m, khai thác hải sản vùng lộng, cách bờ biển Trà Vinh từ 6 đến 24 hải lý. Năm thành viên gia đình ông Thưởng sống chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt hải sản.

Bình quân sau mỗi chuyến biển khoảng 10 ngày, trừ chi phí, gia đình ông Thưởng có lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Ông Thưởng dự tính vay ngân hàng 600 triệu đồng để đóng mới tàu cá khai thác thủy sản vùng lộng để tăng thêm thu nhập...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.100 tàu cá đủ điều kiện cấp giấy phép khai thác thủy sản. Trong đó, có 271 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, 849 tàu dưới 15m; toàn bộ tàu cá đánh bắt xa bờ đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Ban Quản lý Cảng cá Ðịnh An phối hợp Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức trực ban 24/24 giờ trong ngày để theo dõi, giám sát, hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn tàu cá của địa phương hoạt động trên biển.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Cảng cá Ðịnh An tổ chức theo dõi và nhập dữ liệu sản lượng bốc dỡ thủy sản khai thác hằng ngày trên hệ thống phần mềm Googlesheet, VN Fishbase. Bên cạnh đó, công tác thẩm định, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác được triển khai theo đúng quy định. Các đơn vị chức năng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi tàu cá mất kết nối với hệ thống giám sát trên biển...

Từ năm 2018 đến nay, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 2 phối hợp các sở, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ ngư dân từ chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã góp phần hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển.

Khi dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu được đưa vào khai thác từ năm 2016 đến nay, tàu thuyền vào ra Cảng cá Ðịnh An luôn tấp nập. Tháng 10/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh phê duyệt chủ trương đầu tư gần 293 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng Cảng cá Ðịnh An.

Đến nay, các hạng mục dự án mở rộng cảng cá kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão gồm bến cập tàu, nạo vét luồng tàu và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như bãi tiếp nhận, nhà sơ chế hải sản, hệ thống xử lý nước thải đã hoàn thành, đưa vào khai thác.

Cảng cá Định An có sức chứa khoảng 500 tàu với chiều dài tối đa của tàu là 25m. Hằng ngày, cảng cá này còn có hàng chục tàu cá từ các tỉnh Bình Thuận, Kiên Giang, Cà Mau,… cập bến. Dịch vụ hậu cần nghề cá tại đây phát triển đa dạng, bảo đảm cung ứng tốt cho ngư dân ra khơi, bám biển...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng cho biết, tỉnh có bờ biển dài 65 km với nguồn lợi hải sản phong phú, thuận lợi cho nuôi trồng, đánh bắt hải sản và phát triển kinh tế biển.

Để tiếp tục phát huy thế mạnh về khai thác biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của biển và vùng ven biển, biển, đảo Việt Nam, nhất là các mô hình phát triển kinh tế biển, tổ, đội đoàn kết, hỗ trợ sản xuất trên biển. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào nuôi trồng, đánh bắt, khai thác thủy sản, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, nguồn lợi thủy sản.

Cùng với đó, Trà Vinh tích cực vận động ngư dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật về chống khai thác hải sản bất hợp pháp; kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân ra khơi, bám biển, tham gia cùng các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/hoi-ha-vuon-khoi-bam-bien-post859274.html