Yêu cầu Ukraine trả lại tiền viện trợ cho Mỹ của ông Trump đang đặt Tổng thống Zelensky trước hai lựa chọn: để Washington tiếp cận nguồn khoáng sản của Ukraine hay đánh mất vị thế trên bàn đàm phán với Nga nếu thiếu đi sự hậu thuẫn từ Mỹ.
Mỹ yêu cầu Ukraine trả lại tiền viện trợ
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News mới đây, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Ukraine “hoàn trả khoản nợ viện trợ” mà chính quyền Mỹ đã cung cấp cho nước này. Con số 500 tỷ USD mà nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra có thể được quy đổi thông qua tài nguyên đất hiếm dồi dào mà Kiev hiện đang sở hữu. Tuy nhiên, ông Zelensky đã từ chối ký vào một thỏa thuận song phương cho phép Washington tiếp cận nguồn khoáng sản này.
Bản thảo thỏa thuận mật mà tờ The Telegraph thu thập được phần nào cho thấy lý do mà ông Zelensky từ chối bắt tay với Washington trong vấn đề khai thác khoáng sản ở Ukraine. Theo đó, Mỹ và Ukraine sẽ thành lập một quỹ đầu tư chung nhằm đảm bảo rằng "các bên liên quan đến cuộc xung đột không thể hưởng lợi từ quá trình tái thiết Ukraine”. Thỏa thuận cũng đề cập đến "giá trị kinh tế liên quan đến tài nguyên của Ukraine", bao gồm “dầu khí, cảng biển và các cơ sở hạ tầng khác (theo thỏa thuận)", khiến phạm vị đề xuất của Mỹ càng trở nên mơ hồ. Đặc biệt, văn bản nhấn mạnh: "Thỏa thuận này sẽ được điều chỉnh bởi luật pháp New York, bất kể các nguyên tắc xung đột pháp luật khác”.

Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: Getty
Theo đó, Mỹ sẽ lấy 50% doanh thu định kỳ mà Ukraine nhận được từ việc khai thác tài nguyên và 50% giá trị tài chính của "tất cả các giấy phép mới được cấp cho bên thứ ba" để kiếm tiền từ việc khai thác tài nguyên trong tương lai.
Thỏa thuận này cũng nêu rõ rằng “đối với tất cả các giấy phép trong tương lai, Mỹ sẽ có quyền ưu tiên từ chối đối với việc mua các loại khoáng sản có thể xuất khẩu.” Điều này đồng nghĩa với việc Washington có thể hưởng quyền miễn trừ chủ quyền, qua đó giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ đối với phần lớn nền kinh tế hàng hóa và tài nguyên của Ukraine.
The Telegraph dẫn một nguồn giấu tên cho biết, với một thỏa thuận như vậy, “Washington đang yêu cầu Ukraine phải ưu tiên lợi ích của Mỹ lên trước lợi ích của người dân Ukraine”.
Trước đó, ngay cả khi cuộc bầu cử Mỹ vẫn chưa ngã ngũ, chính quyền ông Zelensky đã thúc đẩy ý tưởng trao cho Mỹ quyền tiếp cận nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào của Ukraine để đổi lấy nguồn viện trợ vũ khí trong tương lai.
Giới quan sát nhận định, việc Kiev sử dụng quân bài đất hiếm không chỉ nhằm mục đích có thêm lợi ích về kinh tế mà còn hướng Mỹ chú ý nhiều hơn đến cuộc chiến ở Ukraine. Một số mỏ khoáng sản hiện nằm gần tiền tuyến ở miền Đông Ukraine hoặc ở các khu vực do Nga đang giành quyền kiểm soát. Điều này sẽ buộc Mỹ phải hành động nhanh hơn để chấm dứt xung đột và tiếp cận trữ titan, vonfram, urani, than chì và đất hiếm ở các khu vực này.
Tuy vậy, nhà lãnh đạo Ukraine dường như không lường trước được việc sẽ phải đối mặt với những đề xuất ngặt nghèo của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng đang bày tỏ niềm quan tâm đặc biệt đến nguồn khoáng sản của Ukraine.
Bất chấp lời từ chối của ông Zelensky, yêu cầu Ukraine đổi “đất hiếm lấy viện trợ” của Mỹ một lần nữa được lặp lại trong tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Waltz với hãng tin Fox News ngày 16/2. Ông Waltz khẳng định: "Người Mỹ xứng đáng được đền bù, xứng đáng được trả lại bằng hình thức nào đó cho hàng tỷ USD mà họ đã đầu tư vào cuộc chiến này", đồng thời lập luận rằng việc "đền bù" cho người Mỹ sẽ là cách tốt nhất để Ukraine đảm bảo tiếp tục nhận được viện trợ trong tương lai.
Thế khó của Ukraine
Trước thái độ e ngại từ phía Kiev, ông Trump cũng ngầm cảnh báo về những hậu quả có thể xảy đến với quốc gia Đông Âu này.
"Họ có thể đạt được một thỏa thuận. Họ có thể không đạt được một thỏa thuận. Họ có thể là của người Nga vào một ngày nào đó hoặc họ có thể không phải là của người Nga vào một ngày nào đó. Nhưng tôi muốn số tiền này được trả lại", ông Trump nhấn mạnh.
Ông chủ Nhà Trắng cho biết tính đến nay, Mỹ đã chi khoảng 300 tỷ USD cho cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng sẽ là "ngu ngốc" nếu Washingtin tiếp tục chuyển giao thêm nữa. Trên thực tế, 5 gói viện trợ mà Quốc hội Mỹ đã thông qua trị giá tổng cộng 175 tỷ USD, trong đó có khoảng 70 tỷ USD được đổ vào các hoạt động sản xuất vũ khí tại Mỹ. Một số được viện trợ cho Kiev dưới hình thức tài trợ nhân đạo, nhưng phần lớn là các khoản vay cần phải hoàn trả.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham đã gợi ý tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần trước rằng yêu cầu của ông Trump vừa “củng cố sự ủng hộ của người dân Mỹ”, vừa “khóa chặt Washington vào việc đảm bảo xung đột tại Ukraine được chấm dứt trong tương lai”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
"Ông ấy có thể đến với người dân Mỹ và nói rằng, 'Ukraine không phải là gánh nặng, mà là lợi ích. Mặt khác, nếu thỏa thuận được thiết lập, Nga sẽ gặp rắc rối, vì ông Trump sẽ làm hết sức để bảo vệ đối tác của mình”, ông Graham nói.
Những đồn đoán về trữ lượng tài nguyên của Ukraine đang ngày càng trở nên siêu thực. Một số ý kiến cho rằng, nước này có thể sở hữu tới 26 nghìn tỷ USD tổng giá trị trữ lượng khoáng sản và hydrocarbon. Tuy nhiên, những ước tính này là phi thực tế.
Ukraine có thể sở hữu trữ lượng lithium lớn nhất châu Âu nhưng giá lithium đã sụt giảm tới 88% kể từ khi bong bóng thị trường tan vỡ vào năm 2022. Hơn nữa, các mỏ lithium quy mô lớn đang liên tục được phát hiện trên khắp thế giới. Mỏ McDermitt Caldera ở Nevada, được cho là mỏ lithium lớn nhất hành tinh với 40 triệu tấn, đủ để giúp Mỹ vượt lên trên Trung Quốc về nguồn cung.
Chính quyền Mỹ cũng vừa phê duyệt Dự án Thacker Pass cho phép khai thác thêm một mỏ lithium khổng lồ ở Nevada và gia hạn các khoản giảm thuế cho một số công ty khai thác như một phần trong chiến lược phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng. Trong khi đó, những mỏ quặng thô chưa qua xử lý tại Ukraine gần như không mang lại lợi ích đáng kể nào cho Mỹ.
Ukraine có trữ lượng coban nhưng ngành công nghiệp pin EV hiện nay chủ yếu chuyển sang sử dụng lithium ferrous phosphate, khiến coban trở nên ít cần thiết hơn. Thêm vào đó, công nghệ pin natri-ion và pin lưu huỳnh có thể làm giảm nhu cầu về lithium trong tương lai, chưa kể đến sự phát triển của ngành tái chế. Nói cách khác, nỗi lo về sự khan hiếm khoáng sản của Mỹ đã bị phóng đại một cách quá đà.
Về khí đá phiến của Ukraine, một phần mỏ Yuzivska nằm trong khu vực của Nga, trong khi các trữ lượng ở vùng Carpathian phía Tây có địa chất phức tạp và chi phí khai thác cao, gây bất lợi cho quá trình tiếp cận.
Lựa chọn của Ukraine
Trên thực tế, Ukraine có tiềm năng lớn hơn với tư cách là nhà xuất khẩu điện sang châu Âu từ năng lượng tái tạo và mở rộng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, đó lại không phải điều mà ông Trump quan tâm.
Chia sẻ với Fox News mới đây, ông Trump vẫn tự tin rằng Ukraine "về cơ bản đã đồng ý" giao 500 tỷ USD khoáng sản cho Mỹ.
"Họ có đất đai cực kỳ có giá trị về mặt đất hiếm, về mặt dầu khí và về những thứ khác", ông nói, đồng thời cho biết đang xem xét việc tiếp cận các khoáng sản hiếm của Ukraine theo một hình thức an ninh.
Những động thái này cũng cho thấy Tổng thống Mỹ sẽ không dễ dàng từ bỏ mối quan tâm đối với khoáng sản Ukraine, dù nhà lãnh đạo Kiev đã từ chối ký vào thỏa thuận với Washington.
“Phong cách làm ăn của tôi khá đơn giản và thẳng thắn”, ông Trump nói trong cuốn sách The Art of the Deal (tạm dịch: Nghệ thuật đàm phán) của mình. “Tôi đặt mục tiêu rất cao, và sau đó tôi chỉ tiếp tục thúc đẩy, thúc đẩy và thúc đẩy để đạt được điều mình muốn”.
Dường như ông Trump đã và đang áp dụng chính phong cách làm ăn trên thương trường vào việc xử lý các vấn đề chính trị của nước Mỹ. Tổng thống Zelensky không còn nhiều thời gian để đưa ra lựa chọn của mình: chấp nhận yêu cầu của Nhà Trắng hoặc đánh mất vị thế trên bàn đàm phán với Nga nếu thiếu đi sự hậu thuẫn từ Mỹ.
Theo Diệp Thảo/VOV.VN
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ukraine-tien-thoai-luong-nan-truoc-yeu-sach-doi-no-500-ty-usd-cua-ong-trump-post1155631.vov