Hàng loạt quyết sách nơi nghị trường tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV cho thấy sự đột phá, thậm chí mang tính lịch sử, từ đổi mới tư duy lập pháp đến quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, trên tinh thần biến thể chế từ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” thành “đột phá của đột phá”.
Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra thành công ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Bên cạnh đó là các quyết sách tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách để phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Hàng loạt vấn đề được bàn thảo, quyết định nơi nghị trường cho thấy sự đột phá, thậm chí mang tính lịch sử, thể hiện rõ qua đổi mới tư duy lập pháp cũng như xem xét các vấn đề quan trọng của đất nước, trên tinh thần biến thể chế từ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” thành “đột phá của đột phá”.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9
Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và 4 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Điều dễ nhận thấy là nguyên tắc xây dựng luật lần này với tư duy mới khi luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc chung để đảm bảo giá trị, sức sống của dự án luật và quan trọng là đảm bảo yêu cầu vừa thực hiện mục tiêu quản lý Nhà nước, vừa thực hiện mục tiêu kiến tạo phát triển.
Nội dung trọng tâm và được đánh giá là đột phá trong các luật, nghị quyết nêu trên chính là bảo đảm bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, khắc phục sự giao thoa, chồng chéo, thậm chí đẩy việc lên cấp trên.
Trên cơ sở đó tạo sự chủ động, sáng tạo để thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo của cả hệ thống, nhất là chính quyền địa phương với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; “cấp nào giải quyết hiệu quả hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó” cũng như yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số.
Điều đó đồng nghĩa với việc câu chuyện được nhắc nhiều lần rằng “cần cơ chế hơn tiền” đã được Quốc hội quan tâm giải quyết “từ gốc”, vấn đề còn lại là triển khai các luật chuyên ngành, văn bản dưới luật với quan điểm “vướng đến đâu, gỡ đến đó; khó chỗ nào, tháo chỗ đó” và phải tuân theo các luật gốc này.
Các nội dung thiết kế đã cơ bản đảm bảo tất cả yêu cầu về các chính sách để ngay sau khi luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay, đồng bộ với đó là giải quyết khó khăn, vướng mắc bằng biện pháp mang tính chất ủy quyền lập pháp. Đây là tư duy đột phá của Quốc hội, quyết định sáng suốt trong điều kiện lịch sử, đặc biệt, vì nếu không làm vậy thì không thể giải quyết được mấy trăm luật chuyên ngành đang quy định rất cụ thể thẩm quyền từ Thủ tướng đến các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND và thậm chí thẩm quyền của tất cả cấp chính quyền, dẫn đến khó thực hiện được nguyên tắc phân cấp, phân quyền và ủy quyền.
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được các đại biểu Quốc hội đồng thuận cao khi ban hành đã thể chế hóa chủ trương của Đảng nhằm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương.
Các quy định thể hiện tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động; tạo lập hành lang pháp lý để các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước sau sắp xếp đi vào hoạt động, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Cơ cấu tổ chức Quốc hội và Chính phủ vừa được thông qua giảm 2 ủy ban của Quốc hội, 5 bộ và cơ quang ngang bộ; cùng với đó lược bỏ không ít vị trí trung gian.
Cũng tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thông qua 6 nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia.
Trong đó, Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng góp phần tạo tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ; tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 4,4 tỷ USD, ước tính tạo ra khoảng 90.000 việc làm trong thời gian xây dựng và khoảng 2.500 việc làm lâu dài trong quá trình vận hành, khai thác; góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hay Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết “điểm nghẽn” về thể chế nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố, qua đó đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải đô thị bền vững, hài hòa, hợp lý.
Còn Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng nhà dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để khẩn trương thể chế hóa một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai xây dựng nhà dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngoài ra, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để khẩn trương thể chế hóa một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, nhằm giải phóng, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Cơ chế, chính sách đó thể hiện rõ quyết tâm “mình đi sau phải biết đi tắt đón đầu; khoa học là miền đất hoang vu cần khai phá, ai đi vào trúng được thì thắng lớn”, tránh “thế giới phát triển rồi, cứ đi theo sẽ mãi lũn cũn đi sau”, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết trên Hội trường Diên Hồng tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9
Cũng chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.
Quyết sách nơi nghị trường còn cho thấy sự kịp thời, tất yếu khách quan, đúng đắn, tầm nhìn xa, cơ sở thuyết phục của Đảng, Nhà nước; đã bắt được đúng mạch, không chần chừ, do dự để khẩn trương khắc phục những tồn tại, vướng mắc, điểm nghẽn làm chậm sự phát triển của đất nước.
Thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc thì phải có những quyết định lịch sử, đột phá cho sự phát triển của đất nước – đó chính là tinh thần của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/quyet-dinh-dot-pha-va-mang-tinh-lich-su-cua-quoc-hoi-post1155977.vov