Thời tiết miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với trẻ nhỏ có sức đề kháng kém. Đây là nguyên nhân khiến số lượng trẻ nhỏ nhập viện gia tăng tại các cơ sở y tế thời gian này.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, trong 2 tuần trở lại đây trung bình mỗi ngày có khoảng 130 bệnh nhi điều trị nội trú, tăng khoảng 40-50% so với trước đó. Trong đó, chủ yếu là các bệnh lý về hô hấp, cúm A, cúm B, sởi, sốt virus, tiêu chảy... Nhiều trường hợp ban đầu trẻ chỉ có dấu hiệu mệt mỏi, ho nhưng chỉ vài ngày sau bệnh trở nặng khiến trẻ bị viêm phổi, viêm phế quản, nhiều trẻ phải thở máy.
Môi trường mầm non rất dễ lây lan dịch bệnh, chính vì vậy, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh đã triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, hạn chế mức thấp nhất số trẻ bị bệnh, không để dịch bệnh lây lan. Tăng cường giáo dục trẻ kỹ năng vệ sinh cá nhân, tự phục vụ, tự bảo vệ chăm sóc sức khỏe, giúp hình thành thói quen tốt cho trẻ. Đồng thời, thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu nhập nguyên liệu đến khâu chia ăn. Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh nhằm phát hiện sớm các mầm bệnh, kịp thời cách ly không để lây lan ra diện rộng.
Dự báo trong tháng 4, nồm ẩm sẽ là hình thái thời tiết chủ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, nguy cơ gây nên nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe. Để chủ động phòng bệnh hiệu quả, các bậc phụ huynh cần thực hiện tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch; vệ sinh thường xuyên vùng mũi, vùng họng cho trẻ. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, hô hấp không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Thu Hoài