Cập nhật: 04/04/2025 19:55:00
Xem cỡ chữ

Là một huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, song với nỗ lực của chính quyền và Nhân dân địa phương, kinh tế Sông Lô dần có những chuyển biến tích cực, trong đó, phát triển thương mại dịch vụ ngày càng được quan tâm, góp phần tích cực vào giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Vài năm trở lại đây, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Sông Lô được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua bán và giao thương hàng hóa. Dọc theo tuyến đường về trung tâm huyện, các loại hình thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển. Hiện, toàn huyện có 13 chợ, có khoảng 4.000 cơ sở và hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh, trên 400 cơ sở dịch vụ vận tải,... Đặc biệt, các loại hình kinh doanh dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương. 

Trong năm 2024, cơ cấu kinh tế của huyện tỷ trọng thương mại dịch vụ đạt trên 23%. Để có được kết quả đó, huyện Sông Lô đã có nhiều cơ chế khuyến khích, tạo sự thông thoáng cho các doanh nghiệp, tiểu thương phát triển và đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh, buôn bán. Cùng với đó là đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện có sự chuyển dịch đúng hướng; nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2024 lên trên 60 triệu đồng; tỷ lệ hộ khá giàu tăng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn dưới 1%.

Thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, huyện tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn trong việc đầu tư, nâng cấp các công trình thương mại để đưa vào khai thác có hiệu quả.

Trường Giang