Cập nhật: 10/04/2025 07:21:00
Xem cỡ chữ

Theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, vào các tối 12 và 13/4, khán giả Thủ đô sẽ có cơ hội thưởng thức không gian văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của Tây Nguyên ngay tại Hà Nội. Chương trình âm nhạc và nghệ thuật dân gian "Tiếng gọi Cao nguyên" cùng vở ca kịch "Khát vọng Dam Săn", do Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk biểu diễn, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo về vùng đất Tây Nguyên.

Chú thích ảnh

Vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn”. Ảnh: sovhtt.hanoi.gov.vn

Chương trình âm nhạc, nghệ thuật dân gian “Tiếng gọi Cao nguyên” sẽ diễn ra vào 19 giờ 30 phút ngày 12/4 (tối thứ Bảy) tại sân khấu vườn hoa Đền Bà Kiệu, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tối Chủ nhật ngày 13/4, vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” sẽ được biểu diễn tại Rạp Công Nhân, 42 Tràng Tiền, Hà Nội. Đây là các hoạt động do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức nhằm quảng bá văn hóa, nghệ thuật Tây Nguyên tại Hà Nội.

Với các tiết mục diễn tấu cồng chiêng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, các tiết mục hát về Tây Nguyên, chương trình sẽ giới thiệu đến khán giả Thủ đô những nét đặc trưng cũng như giá trị văn hóa truyền thống đa dạng và phong phú của vùng đất Tây Nguyên. Những làn điệu dân ca của các dân tộc Tây Nguyên phong phú và đặc sắc hòa cùng với nhạc cụ tre, nứa cùng tiếng cồng, tiếng chiêng tạo nên âm thanh trầm hùng của núi rừng, lúc nghe thánh thót như tiếng suối chảy, lúc ầm vang như dòng thác… tất cả đều được ngân lên như một dàn hợp xướng hội tụ đầy đủ cung bậc, sắc màu của cuộc sống từ ngàn xưa vọng về. Đặc biệt, chương trình giới thiệu tới đông đảo khán giả Thủ đô không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO ghi danh là kiệt tác truyền khẩu và là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” được dàn dựng dựa trên sử thi Dam Săn -Tác phẩm được nhà dân tộc học người Pháp Xa-bat-chiê sưu tầm ở Đắk Lắk và công bố bằng song ngữ Êđê - Pháp tại Pari năm 1927, đã gây tiếng vang trong giới folklore các nước phương Tây. Sử thi Dam Săn được đánh giá là sánh ngang với các tác phẩm anh hùng ca nổi tiếng của châu Âu như Iliat, Ôđixê của Hy Lạp và “Bài ca chàng Rô Lăng” của người Pháp. Trong nền văn học Việt Nam, sử thi Dam Săn là một trong những tác phẩm tiêu biểu, là thể loại văn học được sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, bay bổng của đồng bào Êđê Tây Nguyên thời cổ đại.

Trên nền sử thi Dam Săn, nhà biên kịch Hồng Hoa đã viết lên kịch bản “Khát vọng Dam Săn” với những tình tiết mới với thông điệp ngợi ca vẻ đẹp tình yêu của con người giao hòa với thiên nhiên, đặc biệt là ca ngợi khát vọng và vẻ đẹp lãng mạn nhưng cũng đầy kiêu hùng của người Êđê ở Tây Nguyên. Vở ca kịch được Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk thực hiện nhằm góp phần phục dựng, bảo tồn văn hóa người Êđê qua âm nhạc và sân khấu hình ảnh, đồng thời được kỳ vọng trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, độc đáo của vùng đất Tây Nguyên.

Theo Tuyết Mai (TTXVN)

 https://baotintuc.vn/van-hoa/mang-khong-gian-van-hoa-tay-nguyen-den-thu-do-ha-noi-20250409184035426.htm