Lễ hội Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm vào dịp tháng 3 âm lịch nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc Tiên đế, tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước; khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Trải qua 1.057 năm, Lễ hội Hoa Lư không chỉ giữ nguyên những giá trị nổi bật về lịch sử và văn hóa mà còn tạo tiền đề để phát triển du lịch Ninh Bình, xứng danh là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Nghi thức Tế cửu khúc tại Lễ hội Hoa Lư năm 2025 được phục dựng và gìn giữ đến ngày nay.
Gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp
Theo các bậc cao niên xã Trường Yên, thành phố Hoa Lư, Lễ hội truyền thống Hoa Lư xưa còn được gọi là hội Trường Yên hay hội Cờ Lau. Theo sử cũ, trong các triều đại phong kiến, hội Trường Yên là một quốc lễ vì đây là dịp để tưởng niệm các vị Hoàng đế, anh hùng dân tộc: Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Những ngày diễn ra lễ hội, mặc dù có những thời điểm thời tiết không thuận lợi, làm ảnh hưởng đến một số hoạt động của phần hội nhưng không khí tại lễ hội vẫn rất vui tươi, hào hứng, thu hút nhiều người dân và du khách tham gia.
Là những người con của quê hương Ninh Bình, ai cũng tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử của cha ông. Truyền thống ấy được lưu giữ, hội tụ trong các hoạt động của Lễ hội Hoa Lư: từ truyền thống thượng võ qua âm vang của tiếng trống hội vật; truyền thống hiếu học, mến chuộng thi thư qua Hội thi thư pháp; yêu chuộng văn nghệ qua các giao lưu nghệ thuật hát Chèo, hát Văn, hát Xẩm… Lễ hội là nơi phô diễn bản sắc văn hóa của các địa phương và cũng là nơi lưu giữ hồn cốt nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

Lễ rước nước tại Lễ hội Hoa Lư năm 2025.
Anh Hoàng Văn Hiệu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình chia sẻ, tham gia vào hội trống nhảy của huyện đã nhiều năm nhưng mỗi lần được về Lễ hội Hoa Lư biểu diễn cùng các đội tuyển khác, anh vẫn có cảm xúc hồi hộp và tự hào. Lễ hội không chỉ là nơi để những người con đất Cố đô giới thiệu những nét đẹp văn hóa của địa phương mà còn là dịp lan tỏa những giá trị đó cho thế hệ trẻ và du khách quốc tế. Chính những nét độc đáo trong phần lễ và phần hội của Lễ hội Hoa Lư đã làm nên bản sắc văn hóa khiến lễ hội trở nên khác biệt và hấp dẫn so với nhiều lễ hội khác.
Về Ninh Bình, trực tiếp khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã khẳng định, đây là vùng đất mang đậm các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc với trung tâm là thành phố Hoa Lư nổi tiếng, nơi người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh đã lên ngôi hoàng đế và lập nên kinh đô của nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, khởi đầu cho các triều đại phong kiến trong lịch sử dân tộc. Thời gian tới, Ninh Bình cần tiếp tục nghiên cứu, làm sâu sắc thêm và chú trọng phổ biến nâng cao nhận thức, nhất là cho thế hệ trẻ về các giá trị lịch sử-văn hóa của Cố đô Hoa Lư, Nhà nước Đại Cồ Việt. Đặc biệt, tỉnh tăng cường bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của lễ hội; đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, bảo tồn không gian tâm linh linh thiêng của lễ hội; có các chương trình đào tạo, phổ biến rộng rãi kiến thức về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán, nhất là đội ngũ nhân lực phục vụ lễ hội; gắn kết chặt chẽ các hoạt động bảo tồn và phát huy lễ hội với các hoạt động du lịch tại khu di tích lịch sử-văn hóa cố đô Hoa Lư.
Khai thác lễ hội để phát triển du lịch

Trò chơi dân gian tại lễ hội Hoa Lư thu hút đông đảo nhân dân và du khách.
Là vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa, Ninh Bình thu hút du khách không chỉ bởi vẻ đẹp của nhiều danh lam, thắng cảnh mà còn bởi các lễ hội mang đậm giá trị lịch sử trong đó có Lễ hội Hoa Lư. Đây là tài nguyên quan trọng để tỉnh khai thác phục vụ phát triển du lịch một cách bền vững. Những năm gần đây, Ninh Bình đã phục dựng lại gần như đầy đủ các nghi lễ của thời cha ông, mô phỏng, tôn vinh những giá trị văn hóa thời Đinh - Lê, cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, tạo không khí linh thiêng, nhộn nhịp và đa sắc màu văn hóa.
Bên cạnh các hoạt động được tổ chức theo thông lệ, năm nay, Lễ hội Hoa Lư được tổ chức với nhiều sự kiện, hoạt động mới như: Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp bà Phạm Thị Trân - Tổ nghề sân khấu Việt Nam; Hội thảo khoa học và triển lãm "Trang phục và cổ phục thời Đinh"; hoạt động quảng bá du lịch Ninh Bình thông qua Liên hoan các đội tuyên truyền; tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu về lịch sử, văn hóa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu biểu của các huyện, thành phố… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đón trên 4,4 triệu lượt khách, trong đó có 535 nghìn lượt khách quốc tế, tăng tương ứng 13,4% và 40,8% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu du lịch đạt gần 4,7 nghìn tỷ đồng, tăng 29,3%. Dịp nghỉ lễ vừa qua trùng với sự kiện Lễ hội Hoa Lư, toàn tỉnh đã đón hơn 164.270 lượt khách, trong đó có tới 52.700 lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch ước đạt 300 tỷ đồng. Sự bùng nổ về lượt khách không chỉ mang lại doanh thu trực tiếp cho ngành Du lịch mà còn được kỳ vọng tạo ra "mùa vàng" cho người dân địa phương. Kết quả tích cực này là động lực để Ninh Bình hướng tới mục tiêu đón trên 9,1 triệu lượt khách và doanh thu hơn 10 nghìn tỷ đồng trong năm 2025.
Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tổ chức và thực hiện lễ hội đã tạo nên bản sắc riêng của du lịch Ninh Bình. Các tour liên kết giữa điểm đến kết hợp du lịch văn hóa, lễ hội được khai thác ngày càng hiệu quả. Đây được xem là thế mạnh của tỉnh trong định hướng phát triển du lịch bền vững trên cơ sở những di sản văn hóa sẵn có.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, lễ hội là phương thức để bảo tồn văn hóa một cách bền vững nhất, lâu dài nhất. Ninh Bình nên hướng tới, chú trọng vào việc thu hút người dân là chủ thể tham gia các hoạt động này. Bên cạnh nỗ lực của Nhà nước, doanh nghiệp, cần thay đổi được tâm thế của người dân, làm sao để người dân cảm thấy đó chính là một phần đời sống không chỉ mang lại lợi ích cho chính mình mà hơn thế nữa lợi ích đó còn được trao truyền cho thế hệ con cháu.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định, hơn 1.000 năm đã trôi qua, Cố đô Hoa Lư đã trở thành nơi lưu giữ những giá trị khởi nguyên trong hành trình phục hưng dân tộc, là mạch nguồn hình thành kinh đô Thăng Long và sự phát triển rực rỡ của các thể chế phong kiến trong các giai đoạn tiếp sau. Những giá trị đặc sắc, tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, lịch sử cảnh quan thiên nhiên của Cố đô Hoa Lư đã và đang được địa phương bảo tồn và phát huy, phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh một cách hài hòa, bền vững, hướng đến mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản, tổ chức sự kiện của vùng, quốc gia và quốc tế, xứng đáng với bề dày lịch sử của vùng đất kinh đô xưa.
Theo Bài, ảnh: Hải Yến (TTXVN)
https://baotintuc.vn/van-hoa/le-hoi-hoa-lu-noi-ton-vinh-long-tu-hao-dan-toc-va-tinh-than-dai-doan-ket-20250411094028907.htm