Cập nhật: 24/04/2025 14:36:00
Xem cỡ chữ

Những ngày tháng Tư lịch sử này, trong ký ức của những cựu chiến binh tham gia các chiến dịch giải phóng miền Nam thống đất nước lại ùa về. Đối với cựu chiến binh Cao Phương Giang ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, ký ức về trận Buôn Hồ trong chiến dịch Tây Nguyên với ông không thể nào quên về trận đánh mà quân ta giành thắng lợi nhanh chóng và là một trong những trận có tổn thất ít nhất.

Là chiến sĩ thông tin vô tuyến điện của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Sư đoàn 320 có nhiệm vụ tấn công quận lỵ Buôn Hồ nay là thị xã Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk. Mờ sáng 10/3/1975, khi có lệnh nổ súng tấn công quận lỵ Buôn Hồ, chiến sĩ thông tin Cao Phương Giang cùng đồng đội đã đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc phục chiến đấu của các lực lượng. Đến 17 giờ cùng ngày, Trung đoàn 64 cùng các lực lượng đã tiêu diệt, bắt và làm tan rã một tiểu đoàn bảo an, một đại đội cảnh sát dã chiến và nhiều vũ khí, trang bị của địch, giải phóng hoàn toàn quận lỵ Buôn Hồ.

Đất nước thống nhất, với kinh nghiệm, kiến thức trong kháng chiến, người lính thông tin Cao Phương Giang được về công tác tại Học viện Kỹ thuật Quân sự tiếp tục mang kiến thức, kinh nghiệm của người lính thông tin phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa hoc, trở thành Đại tá, Tiến sĩ, Phó Chủ nhiệm Bộ môn bảo đảm kỹ thuật binh chủng, khoa Chỉ huy tham mưu kỹ thuật cho đến khi nghỉ công tác. Cuộc đời chiến đấu, công tác với nhiều thành tích cựu chiến binh Cao Phương Giang được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ tổ quốc và nhiều phần thưởng cao quý khác.

50 năm đất nước ca khúc khải hoàn chiến thắng, trong những ngày tháng 4 lịch sử của dân tộc, những người lính cụ Hồ như Cựu chiến binh Cao Phương Giang như nhắc nhở thế hệ hôm nay tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc, để thấu hiểu hiện tại, cùng hướng về tương lai tươi sáng của dân tộc trong kỷ nguyên mới.

Văn Hải