Cập nhật: 23/08/2010 15:21:11 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khi những người lính cuối cùng của lực lượng chiến đấu Mỹ rời khỏi lãnh thổ Iraq, dư luận hy vọng về một tương lai hòa bình và ổn định ở quốc gia vùng Vịnh này. Đối với người Mỹ, cuộc chiến này có thể đang dần khép lại, nhưng với người dân Iraq, bóng đen chiến tranh vẫn chưa dứt.

 

Nỗi lo về khoảng trống quyền lực ở Iraq ngày càng tỷ lệ nghịch với số quân Mỹ đang giảm dần ở quốc gia nhiều dầu mỏ này. Nếu như trước đây, chiến lược tăng quân của Tướng David Petraeus đã giúp Washington đẩy lùi bạo lực và mang lại sự ổn định mong manh cho Iraq thì nay, thành bại của cuộc chiến có nguy cơ rơi vào tay thế lực nào lấp khoảng trống quyền lực do Mỹ để lại, mà Iran có thể là một "ứng cử viên."

 

Đã năm tháng trôi qua sau cuộc bầu cử lập pháp, đời sống chính trị ở Iraq vẫn hết sức rối ren. Đem quân đến Iraq năm 2003, Mỹ đề ra mục tiêu lật đổ chế độ Saddam Hussein và dựng lên một chính phủ ổn định thân phương Tây ở Baghdad. Saddam đã bị lật đổ nhưng một chính phủ ổn định và thân phương Tây dường như vẫn là điều quá "xa xỉ."

 

Mâu thuẫn xã hội giữa những người Hồi giáo dòng Sunni và Shi’ite ngày một gay gắt và khó dung hòa trong khi mối hận thù giữa người Sunni và người Kurd vẫn chưa hề được hóa giải.

 

Không những vậy, những toan tính chính trị còn đẩy Washington vào thế đối đầu với các thành viên đảng Baath, đảng theo dòng Sunni của Saddam Hussein. Do vậy, điều mà cả Baghdad và Washington lo ngại hơn cả là viễn cảnh "nồi da nấu thịt" ngay khi quân đội Mỹ rút hoàn toàn khỏi Iraq.

 

Tiên liệu điều này, Mỹ chủ trương xây dựng một đội quân bản xứ ở Iraq để thực thi ý nguyện của chính phủ và bảo vệ đất nước trước thù trong giặc ngoài cũng như một lực lượng cảnh sát đủ sức thực thi luật pháp. Quan điểm của Mỹ là chính phủ ở Baghdad không nhất thiết phải thân phương Tây như kỳ vọng trước đây nhưng chắc chắn không thể bị thế lực bên ngoài chi phối.

 

Nắm trong tay chìa khóa giải quyết những xung đột xã hội và tôn giáo gay gắt ở Iraq, Iran có thể là một "ứng cử viên" tiềm tàng thế chân Mỹ - điều mà Washington không bao giờ mong muốn. Xét về tương quan địa chính trị, sau khi Mỹ rút khỏi Iraq, Iran sẽ là cường quốc hùng mạnh nhất Vịnh Persia.

Các quan chức ở Nhà Trắng và Baghdad đã không ít lần ám chỉ Iran là nhân tố chính góp phần vào thất bại trong việc xây dựng nền chính trị ổn định ở Iraq. Washington cho rằng Teheran lo ngại một Iraq hùng mạnh sẽ là "cơn ác mộng" địa-chính trị đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.

 

Theo giới phân tích, chiếc chìa khóa giúp Iran "qua mặt" Mỹ trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Iraq là các đồng minh và nguồn lực mà Teheran tranh thủ được dưới thời Saddam. Mỹ cho rằng tuy Iran không thể áp đặt một chính phủ lên Iraq, nhưng có thể ngăn chặn việc thành lập một chính phủ mới ở đây.

 

Không những vậy, một khi Mỹ rời bỏ Iraq, Iran có thể áp đặt một trật tự mới không chỉ ở Iraq mà ở cả các nước còn lại trong Vịnh Persia. Cho dù Mỹ vẫn tiếp tục ở lại Iraq, Iran vẫn có thể gây mất ổn định hoặc thậm chí gây bạo lực leo thang tới mức Mỹ lại buộc phải tăng cường lực lượng chiến đấu và sa lầy.

 

Giới chức Mỹ và Iraq thường công khai nói rằng chính phủ Iraq chưa thành lập được là do có sự can thiệp của Iran. Một số chính khách Iraq theo dòng Shi’ite thân Iran nhiều khả năng sẽ làm theo chỉ thị từ Teheran.

 

Cuộc bầu cử vừa qua ở Iraq phản ánh một sự thật hiển nhiên rằng không có đủ chính khách để thành lập một chính phủ, nhưng có đủ chính khách để ngăn cản thành lập chính phủ.

 

Việc Mỹ rút lực lượng chiến đấu và để lại 50.000 quân, tiến tới rút toàn bộ lực lượng vào năm 2011 đã diễn ra theo đúng kế hoạch của Tổng thống Barack Obama.

 

Tuy nhiên, giới chức Mỹ đều thừa nhận đây chỉ là "mốc" đánh dấu một bước chuyển đổi trong chiếc lược của Mỹ ở quốc gia vùng vịnh này, mà không phải là tiêu chí đánh giá thành bại của cuộc chiến tranh Iraq do Mỹ đứng đầu.

 

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNN ngày 21/8, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Iraq, Tướng Lục quân Raymond Odierno không loại trừ khả năng nối lại sứ mệnh chiến đấu của Mỹ tại nước này một khi lực lượng an ninh Iraq "thất bại hoàn toàn."

 

 

 

Điều này đồng nghĩa với việc bóng đen chiến tranh vẫn bao trùm bầu trời Iraq và chưa rõ bao giờ cuộc chiến "hao người tốn của" mới đi đến hồi kết./.

 

 

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Tệp đính kèm