Cập nhật: 06/08/2012 16:56:25 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 5/8, trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết năm học 2011-2012 và triển khai nhiệm vụ năm học 2012-2012, Bộ GD& ĐT đã tổ chức sơ kết 4 năm triển khai phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực (THTT, HSTC).

Báo cáo của lãnh đạo Bộ và ý kiến của các đại biểu đều khẳng định: Phong trào đã có tác động sâu rộng tới toàn bộ hệ thống GD từ trường Mầm non đến trường phổ thông trong toàn quốc. Kết quả của phong trào thi đua không chỉ là phát triển GD mà còn là sự phát triển của văn hóa, phong trào thanh thiếu niên, của mỗi gia đình, dòng họ mà các ngành, đoàn thể có trách nhiệm thực hiện.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu bên lề Hội nghị

 

Theo báo cáo thống kê, tỷ lệ trường học từ mầm non đến phổ thông tham gia phong trào ngày càng cao và đến nay đã đạt đến 99,75%. Trong năm học 2011 - 2012 toàn quốc xây thêm 10.546 công trình vệ sinh, nâng tổng số nhà vệ sinh trong các trường học trên toàn quốc sau 4 năm triển khai phong trào lên 62.434 công trình. Hiện tượng chưa có hoặc thiếu nhà vệ sinh chỉ còn ở một số điểm lẻ của trường ở vùng đặc biệt khó khăn và một số trường trong nội thành. Số cây xanh được trồng trong năm học 2011 - 2012 là 1,7 triệu cây, nâng tổng số cây trồng trong 4 năm lên tới hơn 7,4 triệu cây. Số bàn ghế đủ tiêu chuẩn, phù hợp với độ tuổi là 38.205 bộ…

 

HS được đảm bảo “3 đủ” là 41.932 HS. Hiện nay hầu hết HS bỏ học không phải là do thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở mà do nhiều lí do khác. Chủ trương đảm bảo “3 đủ” được xã hội đồng thuận và tham gia tích cực. Nhiều nơi bổ sung thêm chủ trương “3 đủ” thành “4 đủ” thêm đủ phương tiện đến trường (đủ tiền đò, đủ xe đạp). Đến nay đã có 46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có HS bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc hoặc thiếu sách vở trên phạm vi cấp tỉnh… Sau 4 năm Công đoàn GDVN đã huy động được trên 210 tỉ đồng tiền mặt cùng hàng vạn bộ quần áo, sách giáo khoa, đồ dùng học tập để hỗ trợ GD ở vùng sâu, vùng xa… Từ đây giúp nhiều em HS hoàn cảnh khó khăn đến trường, giảm dần tỷ lệ HS bỏ học. Số HS bỏ học giảm dần theo từng năm, năm học 2011 - 2012 còn 88.305 em (giảm 90.034 em) so với năm học 2010-2011 (178.339 HS), giảm 11.034 HS so với năm học 2009 - 2010 (198.339 HS).

 

Bộ trưởng Bộ GD& ĐT Phạm Vũ Luận trao đổi cùng các đại biểu bên lề Hội nghị

 

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống và trò chơi dân gian vào trường học; phối hợp đưa văn hóa phi vật thể vào bài giảng hoặc chương trình ngoại khóa như Đưa dân ca Quan họ ở tất cả các trường THCS tỉnh Bắc Ninh; dân ca Thái, H’Mông, múa Xòe, nhảy sạp, ném còn ở hầu hết các trường phổ thông tỉnh Điện Biên;  Biên tập và giới thiệu văn hóa nghệ thuật địa phương ở nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Ninh Bình, Kon Tum. Đăk Nông, Đồng Nai, Quãng Ngãi, Bến Tre…

 

Bên cạnh những thành tích đạt được, phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC cũng còn một số khó khăn, vướng mắc. Một số nơi nhận thức về phong trào thi đua còn chưa đồng bộ và sâu sắc. Có hiện tượng HS chỉ tập trung vào học để thi lấy điểm cao trong các kỳ thi kiểm tra, nhất là thi vào THPT, ĐH, CĐ, thi HS giỏi nên ít tham gia các hoạt động. Ở một số nơi phong trào thi đua chỉ do ngành GD thực hiện là chính, sự phối hợp với các ngành khác chưa đạt hiệu quả cao, chưa có cơ chế, kế hoạch phối hợp… Một số cán bộ, GV trực tiếp tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian hát dân ca, GD kỹ năng sống, cán bộ GV tư vấn, hỗ trợ học còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, đa số chưa được đào tạo cơ bản và chưa có kỹ năng thực hiện tốt…

 

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: Phong trào thi đua Xây dựng THTT, HSTC đã đi đúng hướng, được sự đồng tình cao trong toàn xã hội. Phong trào là công cụ vận động nhằm hướng tới đổi mới việc quản lý nhà trường, đổi mới việc dạy học trong khi chương trình GD chưa thay đổi… Phó Thủ tướng đặc biệt ấn tượng với tỉ lệ  HS bỏ học đã  giảm (Giảm 55% so với 2 năm trước); tình hình xây dựng nhà vệ sinh trong trường học (Sau 4 năm đã xây dựng được trên 60 ngàn nhà vệ sinh, bình quân mỗi trường có 1,5 nhà vệ sinh); Tình hình  ứng dụng CNTT (đã có 92% số trường có ứng dụng CNTT); Sự chuyển biến trong quan hệ nhà trường và phụ huynh, GV và HS . Theo Phó Thủ tướng, cần tiếp tục phát huy và đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua. Thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa việc tự học của học sinh, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong HS cũng như giáo dục HS  ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc; tiếp tục xây dựng đội ngũ GV mẫu mực, mẫu mực về đạo đức, mẫu mực về sáng tạo và mẫu mực về tự học… Phong trào thi đua Xây dựng THTT, HSTC cần phát triển thành phong trào Xây dựng THTT, HSTC, GV mẫu mực.

 

Năm học 2012-2013 là năm thứ 5 triển khai phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Ngành GD sẽ tiếp tục những thành tựu đã đạt được và duy trì và mở rộng bền vững phong trào ở các vùng khác nhau trong mỗi tỉnh, thành phố. GD văn hóa từ thực tiễn của mỗi địa phương thông qua các nội dung của phong trào; Tích hợp nội dung THTT, HSTC vào xây dựng trường chuẩn quốc gia, tiêu chí đánh giá trường học ở mỗi cấp học; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho Hiệu trưởng, GV chủ nhiệm, tổng phụ trách đội, GV tư vấn học đường. Xây dựng THTT, HSTC là một giải pháp cơ bản trong quá trình chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, là điều kiện để nâng cao chất lượng GD toàn diện, GD đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội, GD truyền thống văn hóa dân tộc…

 

Ông Trần Trung Dũng – Giám đốc Sở GD & ĐT Hà Tĩnh

Ngành GD&ĐT Hà Tĩnh ngay từ những ngày đầu triển khai phong trào thi đua Xây dựng THTT, HSTC đã nhận được sự đồng tình cao và có thể thấy rằng phong trào hết sức có ý nghĩa. Trong khi những năm qua Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo xây dựng phong trào thi đua một cách quyết liệt và đồng bộ. Đây chính là giải pháp góp phần đổi mới phương quản lý, đổi mới pháp dạy, học trong khi chưa đổi mới chương trình.

 

Tuy có những khó khăn, thuận lợi đặc thù, các trường học ở Hà Tĩnh phát động phong trào Xây dựng THTT, HSTC một cách đồng đều và nhận được sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Thể hiện rõ nhất là tỷ lệ HS bỏ học giảm đáng kể, chất lượng GD tỉnh nhà được củng cố.

 

Đáng ghi nhận nhất từ phong trào thi đua này ở Hà Tĩnh vốn có truyền thống hiếu học. Phong trào thi đua sẽ góp phần thúc đẩy bước chuyển biến đáng kể trong nhận thức toàn xã hội về sự nghiệp GD, con em được tạo điều kiện đến trường. Năm học 2012-2013 là năm thứ 5 thực hiện phong trào thi đua Xây dựng THTT, HSTC nên ngành GD Hà Tĩnh sẽ hướng đến tổng kết đánh giá toàn thể quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Mỗi trường, mỗi lớp sẽ bám sát các nội dung của phong trào. Trong đó hướng đến mục tiêu trọng điểm vì Hà Tĩnh vốn là vùng địa linh nhân kiệt, có truyền thống văn hóa, nên việc chăm sóc các di tích và phát huy các giá trị truyền thống đóng vai trò hết sức quan trọng và có ý nghĩa, từ đó góp phần GD HS và GD kỹ năng số cho các em, đồng thời đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy để hướng đến thực hiện thành công phong trào thi đua này…

 

Ông Lê Xuân Trường – Giám đốc Sở GD& ĐT tỉnh Phú Thọ

Từ khi bắt đầu thực hiện phong trào thi đua Xây dựng THTT, HSTC có thể nói các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đội ngũ cán bộ, GV, HS, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở Phú Thọ rất hưởng ứng. Phong trào thi đua rất phù hợp với đặc thù của tỉnh Phú Thọ, một tỉnh miền núi trung du phía Bắc.

 

Trước đây HS của tỉnh, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa vẫn còn thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở, nên đến trường gặp nhiều khó khăn. Từ khi có phong trào thi đua Xây dựng THTT, HSTC đã góp phần quan trọng trong việc huy động tối đa HS đến trường, góp phần kéo giảm tỷ lệ HS bỏ học.

 

Với sự vào cuộc của toàn xã hội, đội ngũ GV và toàn thể ngành GD nên huy động HS tới trường với tỷ lệ ngày càng cao. Sau 4 năm thực hiện phong trào thi đua, HS Phú Thọ đến trường đã rất đầy đủ, tỷ lệ HS bỏ học còn rất ít, giảm dần qua các năm, đây là tín hiệu khả quan. Năm học 2012 – 2013 chúng tôi tập trung giải pháp giảm tỷ lệ HS bỏ học và tăng tỷ lệ huy động HS đến lớp. Tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được trong 4 năm thực hiện phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC, cùng sự chung tay của toàn xã hội, ngành GD tiếp tục thực hiện các mục tiêu của phong trào thi đua trên địa bàn toàn toàn tỉnh. Hướng đến lực lượng nhà giáo mẫu mực và gương mẫu, hy vọng cuộc vận động tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua này…

 

Ông Nguyễn Thanh Bình- Giám đốc Sở GD& ĐT An Giang

Qua 4 năm triển khai phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC, tâm thế và thái độ của nhà trường đối với phong trào rất tốt, xã hội nhận thức tốt, góp phần xây dựng môi trường thân thiện, an toàn trong nhà trường, cha mẹ an tâm hơn khi cho con em đến trường học tập. Ngoài việc dạy kiến thức, thầy cô giáo còn dạy HS cách ứng xử, đạo đức và kỹ năng sống mà mục tiêu cuối cùng là dạy người. Bên cạnh đó nhiều phong trào thiết thực, gần gũi và sinh động đưa vào nhà trường như múa hát sân trường, trò chơi dân gian, phổ cập bơi… đã phát huy hiệu quả thiết thực.

 

Điều khiến chúng tôi vui nhất là nhận thức về việc học của phụ huynh HS được nâng lên rõ rệt từ khi triển khai phong trào. Thứ hai là cảnh quan sư phạm ở các trường học được cải thiện đáng kể. Đặc biệt là nhà trường, xã hội và chính quyền địa phương từ phong trào thi đua này đã cùng chung tay chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, góp phần giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất của tỉnh nhà.

 

Phong trào đã hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng GD, trong đó thầy cô giáo không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy và HS thêm gắn bó với trường lớp. Ở An Giang hằng năm Sở GD& ĐT mở hàng trăm chuyên đề, theo đó sẽ mời giảng viên có uy tính để nâng cao và cập nhật kiến thức cho đội ngũ thầy cô giáo. Từ những giải pháp đồng bộ đó, nhận thức của GV được nâng lên, chất lượng học tập HS cũng nâng lên rõ rệt, kỷ cương nền nếp trường lớp đảm bảo… …

 

 

Theo Nhóm PV/GD&TĐ Online

Tệp đính kèm