Theo GS. Văn Như Cương, người làm công tác giáo dục phải làm tốt nhiệm vụ của mình thì mới rèn được tính trung thực cho thí sinh.
Điểm mới trong quy chế thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông và thi Đại học, Cao đẳng năm nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định cho phép thí sinh được mang vào phòng thi các thiết bị ghi âm, ghi hình “không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác”.
Thực tế thí sinh cả nước vừa trải qua kỳ thi Tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh Đại học 2013, song quy định này vẫn nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi của dư luận, đặc biệt là các thầy/ cô giáo, những nhà quản lý giáo dục.
Không nên giao trách nhiệm chống tiêu cực cho thí sinh
GS. Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh nêu quan điểm, việc chống tiêu cực là nhiệm của người lớn, không nên giao trách nhiệm đó cho thí sinh.
GS Văn Như Cương đặt vấn đề: “Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi Đại học vừa qua, có học sinh nào mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi không? Các ông muốn đấm vào lỗ hổng bằng việc cho học sinh mang thiết bị vào phòng thi sẽ góp phần hạn chế tiêu cực trong thi cử, đặc biệt là những người làm công tác coi thi? Không phải như vậy. Học sinh không mong muốn đem các thiết bị đó để chống tiêu cực. Các em chỉ muốn làm thế nào để làm được bài, muốn được điểm cao, chứ không muốn đi chống tiêu cực. Việc chống tiêu cực mà lại giao cho học sinh đi thi đại học thì không ổn tí nào”.
Theo GS Văn Như Cương, quyết định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm cho kì thi trở nên lộn xộn hơn, đau đầu cho cả thầy và trò. GS Cương bày tỏ: “Những em học tốt thì chẳng cần các thiết bị đó, nhưng những em học dở, có thể đem theo để phá, ảnh hưởng tới phòng thi. Trong quy định chỉ nêu các em được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng thu, phát, truyền dẫn mà không có quy định về kích cỡ. Nếu có em mang vào phòng thi có thiết bị đúng quy định nhưng rất cồng kềnh, các em để phía sau lưng, ảnh hưởng tới các bạn trong phòng. Một phòng thi mà có 3-4 thí sinh như thế thì giám thị phải làm thế nào? Chúng ta phải xử lý như thế nào? Tất cả tình huống đó đều có thể xảy ra. Nếu không lường trước được những điều như thế thì quy định không mang lại ý nghĩa gì, mà còn gây khó khăn cho giám thị và thí sinh”.
GS Văn Như Cương cũng nêu quan điểm, chuyện giám sát chống tiêu cực trong thi cử đơn giản là việc của giám thị coi thi chứ không phải chuyện của thí sinh. Chúng ta chống và đấu tranh tiêu cực thì phải chống từ gốc. Bộ Giáo dục và Đào tạo thấp thỏm nỗi lo tiêu cực trong phòng thi, song Bộ Giáo dục chưa giải quyết một cách rốt ráo vấn đề then chốt đó chính là giáo dục đạo đức triệt để đối với cán bộ coi thi, người làm quản lý giáo dục.
Không đồng tình với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS Cương nói: “Tôi muốn nói thay các em học sinh là chúng tôi là học sinh, nhiệm vụ của chúng tôi là đi thi và làm sao để làm bài cho tốt, tại sao lại bắt chúng tôi làm nhiệm vụ chống tiêu cực đó. Chúng tôi mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi để giám sát tiêu cực trong phòng thi, nhưng còn việc giám thị vi phạm quy chế thi, làm lộ đề, gian lận trong việc chấm thi… thì những chuyện đó chúng tôi đâu có kiểm tra được. Vì vậy, những người trong cuộc - các thầy/ cô giáo phải chấp hành thật nghiêm túc quy chế, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì mới rèn luyện được tính trung thực cho thí sinh.
Theo đó, giải pháp này cũng chỉ mang tính chất tình thế. Việc chống tiêu cực còn nhiều vấn đề, không chỉ về thái độ học tập của học sinh, thái độ làm việc của giám thị như thế nào, mà hơn hết là toàn bộ cơ chế thi cử, học như thế nào mới là quan trọng”.
Quy định thí sinh được mang các thiết bị ghi âm, ghi hình không truyền, tải được thông tin vẫn nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi của dư luận (Ảnh mang tính chất minh họa cho bài viết)
Gây áp lực cho giám thị
Có kinh nghiệm hàng chục năm làm công tác coi thi, PGS. TS Lê Sỹ Giáo – Bộ môn Nhân Học – Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chống tiêu cực trong thi cử là việc cần phải làm, nhưng quy định cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi nếu làm không khéo thì vô tình sẽ tạo nên sự không công bằng cho các em thí sinh.
Thầy Lê Sỹ Giáo bày tỏ: “Mặc dù hiện nay trên thị trường đã xuất hiện nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại, nếu các thí sinh đem vào phòng thi thì chúng ta có kiểm soát hết được hay không? Và việc mang các thiết bị đó sẽ phục vụ cho việc gì? Nhiều thí sinh ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp cận và mua các phương tiện kỹ thuật đó, trong khi thí sinh ở thành thị có nhiều điều kiện tiếp xúc hơn để mang vào phòng thi, như vậy thì vô tình chúng ta đã tạo sự không công bằng đối với các em”.
Thầy Giáo cho biết thêm, hiện nay công nghệ thay đổi từng ngày, thiết bị ghi âm, ghi hình được ngụy trang rất tinh vi. Nó có thể được thiết kế dưới dạng một chiếc cúc áo, một chiếc bút, thậm chí là đồng hồ đeo tay… có chức năng ghi hình, ghi âm mà giám thị khó phát hiện được. Chính điều này cũng ít nhiều gây áp lực cho cán bộ coi thi. Bởi phần lớn giám thị coi thi thường ở tuổi trung niên, nên không phải thầy/cô nào cũng tinh tường và nắm bắt hết được sự phát triển của công nghệ hiện đại.
“Nhiều khi người ta hay chạy theo dư luận có tính chất đám đông nhiều hơn là mang lại lợi ích, mang lại bình đẳng cho học sinh. Hơn nữa, không phải bây giờ chúng ta mới tổ chức thi đại học, nên không phải cái gì cũ cũng lạc hậu, không phải cái gì truyền thống thì chúng ta phải bổ sung, vì có những cái mãi mãi không thay đổi được. Vì vậy điều gì vẫn dùng được thì nên áp dụng tiếp để tạo nên sự khách quan, công bằng và đặc biệt là tạo điều kiện cho giám thị coi thi.
Chống tiêu cực là tốt, nhưng làm thế nào để đảm bảo một kỳ thi khách quan, trung thực, tạo không khí thuận lợi cho tất cả đối tượng đi thi trong một phòng thi, cụm thi làm bài tốt thì đó mới là điều quan trọng”, thầy Giáo nhấn mạnh.
Nhận thức của cán bộ coi thi không đồng nhất
Ông Phạm Đức Linh – Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa
Ông Phạm Đức Linh – Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cho rằng việc cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng thu phát, truyền dẫn vào phòng thi là bước đột phá trong việc đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Quy định này nhằm tăng trách nhiệm của cán bộ coi thi, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân và học sinh trong việc tham gia giám sát nhằm tiến tới minh bạch trong thi cử hiện nay.
Tuy nhiên, việc triển khai quy định này trong thực tế gặp không ít khó khăn. Theo ông Linh, hiện nay nhận thức của cán bộ giáo dục và quản lý giáo dục tại cơ sở chưa thực sự đồng nhất. Đa số thống nhất với quy định của Bộ, nhưng có một bộ phận không nhỏ cho rằng quyết định của Bộ gấp rút, bản thân cán bộ trong phòng thi chưa được tập huấn kỹ càng về các thiết bị. Trong khi thiết bị kỹ thuật hiện đại, thay đổi từng ngày, nên nhiều thầy/cô giáo gặp khó khăn trong việc nhận biết các thiết bị đó.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song ông Linh nhận định việc cho phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi đã thành quy chế thì phải tuân theo và cứ đúng quy định là được.
“Chúng tôi đã tập huấn và thông báo quy chế tới giáo viên, học sinh trong trường. Chúng tôi cũng yêu cầu giáo viên, học sinh viết giấy cam kết thực hiện đúng quy định của Bộ. Nếu cán bộ không thực hiện đúng, không có trách nhiệm, để sai sót trong phòng thi thì chính cán bộ coi thi và thủ trưởng giáo dục phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Bộ Giáo dục và pháp luật”, ông Linh cho biết.
Ngoài ra, ông Linh bày tỏ, trong năm học tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành để tập huấn một cách rộng rãi đến tập thể cán bộ giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo trong cả nước, nhằm thống nhất về nhận thức, đồng thời tập huấn các kỹ năng nhận biết một cách thuần thục cho giáo viên./.
Kim Anh/VOV online
Theo vov.vn/