Sau hơn hai năm miệt mài nghiên cứu, đề tài Thiết kế và chế tạo hệ thống thiết bị tự động khử trùng dụng cụ y tế của kỹ sư Phan Mạnh Hùng và các cộng sự thuộc Công ty cổ phần Khoa học công nghệ P.E (PETECH) đã được đưa vào ứng dụng thực tế. Ðược đánh giá là thiết bị có nhiều ưu điểm về giá thành, kỹ thuật công nghệ, nhưng đến nay thiết bị này vẫn khó khăn trong việc mở rộng sản xuất.
Xuất phát từ thực trạng các bệnh viện ở nước ta phải làm sạch dụng cụ y tế bằng thủ công hoặc mua các máy móc của nước ngoài với giá thành rất cao, năm 2007, kỹ sư Phan Mạnh Hùng cùng các cộng sự đã bắt tay nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị tự động xử lý dụng cụ y tế phù hợp với điều kiện y tế Việt Nam. Năm 2008, đề tài hoàn thành, Công ty PETECH cho ra đời hệ thống tự động xử lý và khử trùng dụng cụ y tế với tên gọi AutoSterLab. Hệ thống hoạt động dựa vào nguyên lý các dụng cụ nhiễm khuẩn được xử lý ban đầu bằng máy rửa tự động đa kết hợp. Máy rửa dụng cụ y tế bằng sóng siêu âm, rửa phun áp lực đa điểm, rửa dòng xoáy áp lực, rửa khử khuẩn bậc cao với chu trình hoạt động tự động 16 phút rửa sạch 30 kg dụng cụ y tế. Sau đó, qua công đoạn sấy khô tự động, nhiệt độ thấp bằng máy AutoMedDryer và khâu cuối cùng là khử trùng nhiệt độ thấp ozone plasma - đóng gói vô trùng tự động bằng máy AutoSterPack. Theo kỹ sư Phan Mạnh Hùng: "Hệ thống thiết bị tự động khử trùng dụng cụ y tế có giá thành chỉ bằng một phần ba giá các sản phẩm cùng loại của nước ngoài sản xuất nhưng lại có nhiều ưu điểm vượt trội, phù hợp điều kiện cơ sở hạ tầng bệnh viện Việt Nam hơn so với các chủng loại máy nhập khẩu khác.
Ðể đáp ứng nhu cầu sử dụng của các bệnh viện, công ty không ngừng tìm tòi cải tiến kỹ thuật như thiết kế cho máy chạy êm hơn, thiết kế các khớp nối đa năng để xử lý được các dụng cụ có cấu trúc phức tạp. Ðến nay, hệ thống thiết bị tự động khử trùng dụng cụ y tế của PETECH đã được sử dụng tại 18 bệnh viện thuộc 11 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, theo kỹ sư Hùng, mỗi năm công ty chỉ bán ra trung bình được sáu đến tám hệ thống như hiện nay là quá ít, không đủ chi phí cho tái đầu tư nâng cao sản xuất quy mô lớn hơn, mặc dù hệ thống đã được Hội đồng Khoa học TP Hồ Chí Minh nghiệm thu, đáp ứng đủ tiêu chuẩn sử dụng cho ngành y tế từ năm 2009 và đoạt Giải khuyến khích Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2010, Giải ba Hội thi Sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh lần thứ 21. Thực tế cho thấy, nhiều đơn vị vẫn còn tư tưởng sính hàng nhập khẩu, chưa tin tưởng vào các sản phẩm khoa học công nghệ do trong nước chế tạo, cho nên số bệnh viện sử dụng sản phẩm này còn quá ít.
Bên cạnh đó, công ty cũng đang gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư. Ðể mở rộng sản xuất, công ty cần 5,8 tỷ đồng cho kế hoạch phát triển giai đoạn một, dự án đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh duyệt và chuyển tới Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ thành phố để vay vốn. Nhưng không hiểu sao đến nay công ty vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn này? "Thiếu vốn cho nên doanh nghiệp vẫn phải sản xuất theo quy mô nhỏ. Việc không được kịp thời đầu tư mở rộng quy mô sản xuất khiến doanh nghiệp luôn bị động về nguồn cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, chịu giá vật tư cao, chất lượng vật tư đầu vào không đồng nhất. Ðể máy có chất lượng tốt, công ty phải tăng chi phí hiệu chỉnh sản phẩm. Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng đang gặp nhiều khó khăn. Kỹ sư Hùng tâm sự: "Thật buồn là đến giờ, hệ thống thiết bị tự động khử trùng dụng cụ y tế vẫn phải sản xuất với nhiều công đoạn theo lối thủ công. Chúng tôi cũng không chắc là sẽ kéo dài quy trình sản xuất này được bao nhiêu lâu nữa".
Hiện nay, không ít đề tài khoa học mang tính ứng dụng cao còn gặp nhiều khó khăn để ứng dụng rộng rãi và bán ra thị trường. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học có chất lượng tốt. Ðể tạo sức bật cho các sản phẩm khoa học và công nghệ sản xuất trong nước, đưa các đề tài nghiên cứu ứng dụng rộng rãi và nâng tầm cao hơn trong thực tế, các cơ quan liên quan cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể cho các đề tài và tạo cơ chế để các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước thuận lợi hơn khi sử dụng các sản phẩm khoa học công nghệ do trong nước sản xuất so với hàng nhập khẩu từ nước ngoài có cùng công năng.
Theo NGUYỄN NAM/Nhandan Online