Cập nhật: 01/03/2010 21:23:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày thơ Việt Nam lần thứ VIII mang tầm vóc của Đại lễ hội thơ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tại đây, công chúng yêu thơ đã được sống trong không khí thi ca đa dạng, phong phú và nhiều trải nghiệm mới mẻ.

Hôm qua (28.2), Ngày thơ Việt Nam lần thứ VIII đã chính thức khai mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ngày thơ Việt Nam lần thứ VIII có nhiều hình thức tôn vinh và thể hiện thơ xuất hiện lần đầu tiên. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, Ngày thơ năm nay hướng đến những cách thể hiện mới mẻ, sinh động.

 

Để tỏ lòng tri ân nguồn cội, lần đầu tiên, Hội Nhà văn đã tổ chức Lễ rước lửa thiêng từ Đền Thượng ở Đền Hùng về Hà Nội với các điểm dừng chân tại Việt Trì, chân cầu Thăng Long và Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đài lửa dựng tại Trung tâm lễ hội - Văn Miếu đã được thắp sáng trong lễ khai mạc sáng nay.

 

Khác lạ hơn so với các Ngày thơ tổ chức trước đây, tại Đại Thành (Văn Miếu-Quốc Tử Giám)-  Vườn thơ đất nước quy tụ 65 nhà thơ của 63 tỉnh, thành và hai cây thơ lớn nhất mang 2 câu thơ nổi tiếng: “Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (Hoàng Cầm) - “Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm” (Chế Lan Viên).

 

Ngoài ra, Triển lãm Thơ trên gốm sứ cũng là một hình thức thể hiện thơ mới mẻ, độc đáo. Hơn 600 sản phẩm gốm sứ đã in những bài thơ, câu thơ hay qua nhiều thời đại.

 

Đặc biệt, 15 bài thơ cổ điển Việt Nam được in trên 15 chiếc bình gốm sứ Bát Tràng, gồm cả bản nguyên tác, bản phiên âm, bản Quốc ngữ và bản dịch ra tiếng Anh. Người đọc có thể chiêm ngưỡng những vần thơ bất hủ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương…

 

Năm nay, cũng là năm đầu tiên xuất hiện Sân chơi thơ cho thiếu nhi. Các em học sinh được tham gia lễ thả diều, đọc những vần thơ hay dành cho lứa tuổi mình của các nhà thơ nổi tiếng và được nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ những câu chuyện thú vị về thơ ca.

 

Thơ cũng cần chuyên nghiệp

 

Có thể nhận thấy, qua nhiều kỳ tổ chức, ngày hội thơ năm nay đã dần chuyên nghiệp hoá. Không còn cảnh quá nhiều âm thanh điện tử của các hoạt động trình diễn át tiếng đọc thơ. Các hình thức đọc, ngâm, trình diễn tho được Ban Tổ chức sắp xếp vị trí hợp lý giúp công chúng yêu thơ được thưởng thức trọn vẹn.

 

Có ý kiến cho rằng, Ngày thơ năm nay phần “hội” lấn át phần “thơ” khi có khá nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật, nhiều triển lãm dễ gây "loãng" . Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Khắc Phi, vì Ngày thơ hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nên rất cần một không khí như vậy. So với những năm trước ngày thơ khá lặng lẽ, năm nay các hoạt động đa dạng, phong phú hơn và kết hợp khá nhuần nhuyễn các yếu tố truyền thống và hiện đại.

 

TS Văn Giá, Chủ nhiệm Khoa Sáng tác và Lý luận phê bình văn học cho rằng, mặc dù mang đậm tính trừu tượng nhưng thơ cũng rất cần sự chuyên nghiệp. Các nhà thơ trẻ ngoài năng khiếu vẫn cần có sự đào tạo bài bản và định hướng cụ thể. Các cuộc thi thơ, các ngày hội thơ chính là dịp để các thi sĩ trẻ khẳng định bản thân và trình diễn trước công chúng yêu thơ những sáng tạo, thể nghiệm độc đáo của mình.

 

Bên cạnh cách ngâm thơ truyền thống, Sân thơ trẻ chủ đề "Chuyển động của cảm giác" vẫn thu hút nhiều sự chú ý bởi các thể nghiệm, trình diễn thơ độc đáo.

 

Hướng tới chủ đề 1000 năm Thăng Long, các poster trong Sân thơ trẻ mang đậm dấu ấn Hà Nội từ phố cổ, phố Pháp, hồ Gươm đến chung cư, khu đô thị mới đều được dùng làm nền để giới thiệu các thi sĩ trẻ.

 

Năm nay, giới trẻ 4 trường đại học lớn ngành Xã hội - Nhân văn đã có riêng một sân chơi, một dịp để thi tài thơ phú tại Đêm thơ Sinh viên.

 

 

Theo Chinhphu.vn

 

Tệp đính kèm