Bất kỳ sự lạm dụng hóa chất nào cũng dẫn đến hậu quả xấu cho mái tóc, đặc biệt là các chất tẩy màu tóc có trong thuốc nhuộm tóc.
Hiện nay, nhuộm tóc là nhu cầu làm đẹp phổ biến của các chị em phụ nữ. Tuy nhiên, việc dùng những loại thuốc này có thể gây ra những phản ứng phụ như làm hư tóc, gây dị ứng, viêm da kích ứng với những biểu hiện da đầu sưng đỏ, ngứa, mụn mủ thành đám, chảy nước vàng…
Những hoá chất độc hại
Trên thị trường hiện có nhiều loại thuốc nhuộm tóc như nhuộm dần dần (tóc sậm màu dần), nhuộm tạm (màu nhuộm bị mất đi sau một vài lần gội), nhuộm lâu (màu nhuộm bị mất đi sau từ 4 - 6 lần gội hoặc lâu hơn), nhuộm luôn (không mất màu khi gội đầu). Trong đó, loại thuốc nhuộm luôn hiện được các hàng làm tóc ưa sử dụng nhất. Tuy nhiên, loại thuốc này thường gây tổn thương tóc nhiều nhất bởi vì khi nhuộm màu mới cho tóc thì loại thuốc này còn có tác dụng tẩy màu cũ của tóc. Trong quá trình tẩy màu, oxygen của chất sừng trong tóc sẽ bị phóng thích ra khỏi tóc, dẫn đến sợi tóc bị mỏng hơn, xốp hơn và dễ bị chẻ, gãy.
Thuốc nhuộm thường chứa những thành phần pphenylenedamine (PPD), toluene-diaminesulphate (TDS), resorcinol (RES), aminoazobenzene, xylidine, aminophenol. Các thành phần này thường gây ra tác hại cho người sử dụng như tóc khô, mất bóng và dễ gãy, rụng tóc, viêm chân tóc, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, tăng hoặc giảm sắc tố da đầu.
Khi bị nặng thì da bị viêm kích ứng như đỏ, rát, bong tróc da với các vảy nhỏ như phấn, cám hoặc viêm da dị ứng với một trong các thành phần của thuốc như ngứa, sưng nề da đầu, có khi toàn bộ vùng da thái dương, trán, hai bên má, nổi mụn nước, mụn mủ thành đám, chảy nước. Nặng hơn nữa là các khớp bị sưng đau, khiến cho người bệnh đau đớn, đi lại khó khăn.
Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Thụy Điển, những phụ nữ nhuộm tóc thường xuyên trong 20 năm hoặc lâu hơn sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp mạn tính cao gấp đôi so với người không nhuộm tóc. Ngoài ra, thuốc nhuộm tóc có thể gây nên bệnh xơ cứng bì toàn thể, một bệnh khớp khiến da mặt, da tay, thậm chí da toàn thân bị xơ cứng, dày lên khiến bệnh nhân mất khả năng diễn đạt cảm xúc trên gương mặt, có các biểu hiện bệnh về tim mạch, thận, khớp... Các biểu hiện đau khớp, sưng khớp cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh nan y, kết quả của nhiễm độc kéo dài do dùng thuốc nhuộm tóc.
Lời khuyên cho chị em
TS. Nguyễn Thị Thủy, Viện Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, bất kỳ sự lạm dụng hóa chất nào cũng dẫn đến hậu quả xấu cho mái tóc, đặc biệt là các chất tẩy màu tóc có trong thuốc nhuộm tóc. Về bản chất, tất cả các chất tẩy màu tóc đều loại bỏ melanin - chất tạo màu đen cho tóc. Các chất tẩy này đều có khả năng oxy hóa mạnh, gây biến đổi tính chất cơ lý của tóc, khiến tóc mất đi độ bóng mượt, bị giòn, dễ gãy và làm cho tóc ngày càng khô, xơ xác. Có nhiều loại dung dịch hoặc bột tẩy, mà mỗi chất lại có những tính chất hóa học cụ thể khác nhau. Các chất có gốc benzene hoặc phenol thường có hoạt tính mạnh, có khả năng tẩy màu nhanh, nhưng độc tính cũng rất lớn.
Theo các chuyên gia thẩm mỹ tóc, hóa chất có trong thuốc tẩy không chỉ làm mất đi màu sắc tự nhiên mà còn triệt tiêu cả dưỡng chất và độ ẩm vốn có của mái tóc. Do vậy, dù mái tóc của bạn trước đây có bóng, khoẻ nhưng nếu thay đổi màu tóc liên tục thì tác hại của chất tẩy cũng làm chúng trở nên khô, xơ, gãy dần và rất khó phục hồi. Thuốc nhuộm càng đậm, càng bền màu thì hàm lượng PPD càng cao. Sự độc hại sẽ tăng dần theo màu nhuộm từ bạch kim, vàng rơm, hạt dẻ, râu bắp đến nâu, đỏ và đen.
Lời khuyên của các chuyên gia về tóc là, không nên lạm dụng việc nhuộm tóc để làm đẹp vì thuốc nhuộm tóc có nhiều tác hại cho tóc và sức khỏe. Chỉ nên nhuộm khi cần thiết. Những người có cơ địa dị ứng như nổi mề đay, viêm da cơ địa, hen, chàm, eczema, dị ứng thức ăn, thuốc... cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc nhuộm tóc. Tuyệt đối không dùng các thuốc mình đã biết chắc hoặc đã nghi ngờ là gây dị ứng. Chỉ nên sử dụng các sản phẩm thuốc nhuộm có nguồn gốc, uy tín. Trước khi nhuộm, nên thử trên một vùng ở mặt trong cánh tay và để 1 giờ nếu không có phản ứng gì mới tiến hành nhuộm lên tóc. Tránh để thuốc nhuộm chạm vào chân tóc. Tốt nhất là 3-6 tháng mới nhuộm một lần./.
Theo vovnews.vn.