Cập nhật: 20/07/2011 16:22:14 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bệnh tay - chân - miệng (TCM) đang gia tăng ở nước ta. Những năm trước đây, bệnh TCM  chỉ  gặp ở các tỉnh phía Nam nước ta nhưng năm nay, bệnh này có xu hướng tiến ra phía Bắc.

Đây là một bệnh dễ lây lan thành dịch, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể xảy ra ở người trưởng thành. Bệnh do Enterovirus 71 gây ra, có thể gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng.

 

Biểu hiện của bệnh tay - chân - miệng

 

Thực ra, khi Enterovirus xâm nhập vào cơ thể, chúng thường khu trú ở niêm mạc miệng đối xứng với má hoặc ở niêm mạc ruột vùng hồi tràng. Sau khoảng thời gian 24 giờ, virut sẽ đi đến các hạch bạch huyết xung quanh, từ đây chúng xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết trong một khoảng thời gian ngắn. Từ nhiễm khuẩn huyết, virut đến niêm mạc miệng và da. Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài khoảng từ 3 - 7 ngày. Bệnh khởi phát là sốt, sau đó xuất hiện các bọng nước ở niêm mạc miệng (ở nướu răng, lưỡi, bên trong má) và xuất hiện ban đỏ ở bàn tay, bàn chân. Các ban đỏ này có thể hình thành các bọng nước. Đặc điểm của các ban trong bệnh TCM là thường không ngứa. Như vậy, các ban và bọng nước chủ yếu xuất hiện ở tay, chân và miệng, vì vậy được gọi là bệnh tay chân miệng. Ngoài ra, ở một số ít trường hợp có thể xuất hiện ở một số vị trí khác trên cơ thể như vùng mông. Các bọng nước ở miệng thường vỡ ra và gây loét làm cho trẻ đau đớn, khóc nhiều, ăn kém hoặc sợ không dám ăn nên trẻ gầy sút nhanh. Các bọng nước ở tay, chân khi vỡ ra nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ thì rất có thể bị bội nhiễm vi khuẩn gây mưng mủ và làm cho bệnh phức tạp thêm. Hầu hết các trường hợp bị bệnh TCM sẽ qua khỏi nếu căn nguyên gây bệnh là do Enterovirus A16 nhưng nếu do EV71 thì bệnh sẽ có thể diễn biến phức tạp hơn, nhất là khi virut gây tổn thương hệ thần kinh trung ương sẽ thể hiện một bệnh viêm màng não điển hình, biểu hiện là sốt cao, nhức đầu, cứng cổ, buồn nôn, nôn vọt. Mọi lứa tuổi có thể bị nhiễm Enterovirus nhưng không phải tất cả đều bị bệnh mà bệnh chỉ xảy ra ở những cơ thể không có miễn dịch chống lại Enterovirus. Trẻ nhũ nhi, trẻ em và ngay cả thiếu niên, người trưởng thành nếu chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh TCM. 

 

Phòng bệnh tay - chân - miệng

 

Trong hơn 6 tháng qua, cả nước đã ghi nhận gần 17.000 ca mắc tay chân miệng tại 47 tỉnh/TP, trong đó 49 trường hợp đã tử vong. Ðáng chú ý, trên 50% số người mắc căn bệnh này là trẻ em từ 3 - 5 tuổi.

 

Tuần vừa qua, cả nước lại thêm 5 ca tử vong do bệnh tay - chân - miệng; 2 bệnh nhi ở Thanh Hóa tử vong nghi do bệnh này.

 

Đây là một bệnh lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết ở miệng, họng, mũi hoặc chất tiết từ các bọng nước ở tay, chân hoặc phân của người bệnh. Bệnh cũng có thể được lây truyền gián tiếp từ các dụng cụ ăn uống, đồ chơi, quần áo, chăn màn của người bệnh hoặc do thức ăn, nước uống nhiễm virut. Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ bị bệnh TCM, nên cho trẻ ở nhà, không đến vườn trẻ và tránh không cho trẻ lành tiếp xúc với trẻ nghi bị bệnh TCM. Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh TCM đặc hiệu nên vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường là vô cùng cần thiết và quan trọng. Cần vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày, nhất là rửa tay, chân sạch bằng xà phòng. Các loại quần áo, tã lót, khăn… của trẻ bị bệnh TCM sau khi giặt sạch bằng xà phòng cần sát khuẩn bằng nước sôi hoặc nước có pha hoá chất cloraminB và không giặt chung với các loại quần áo của trẻ lành. Khi trẻ bị bệnh TCM mà có một số dấu hiệu khác thường cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế, tốt nhất là khoa nhi, bệnh viện nhi hoặc các cơ sở khám, điều trị bệnh truyền nhiễm. Phân của người bệnh TCM cần được xử lý tốt, tránh làm vương vãi ra môi trường. Nên cho trẻ đi ngoài vào bô, chậu có sẵn chất diệt khuẩn như cloramin B. Nhà vệ sinh của các gia đình có người bị bệnh TCM luôn luôn sạch sẽ và được lau chùi bằng xà phòng, chất sát khuẩn. Cần chú ý đến khâu ăn, uống của trẻ bị bệnh TCM. Cần cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, lỏng mà thường ngày trẻ ưa thích. Không nên cho trẻ ăn thức ăn rắn, cay, nóng và không làm đụng chạm đến các vết loét trong miệng trẻ làm cho trẻ càng đau miệng thêm và khiến trẻ sợ hãi không dám ăn dẫn đến giảm sức đề kháng. 

 

 

 

PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu

Theo SK & ĐS Online

Tệp đính kèm