Cập nhật: 19/10/2013 08:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khi bước vào tầm tuổi mùa thu của cuộc đời việc chú ý bảo dưỡng xương khớp là hết sức cần thiết . Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ phải biết chọn dùng các biện pháp phù hợp sao cho vừa đạt mục đích bồi dưỡng lại vừa đáp ứng yêu cầu trị liệu. Trong y học cổ truyền có một phương pháp khá thích hợp và độc đáo, đó là sử dụng các món ăn- bài thuốc. Bài viết này xin được giới thiệu một ví dụ rất điển hình có tên gọi là "Đỗ trọng trư yêu thang", tạm gọi là món canh đỗ trọng nấu với thận lợn.

Thận lợn.

Nguyên liệu

Thận lợn tươi (trư yêu) 2 đôi, đỗ trọng 15-30g, ngưu tất 20g, gừng tươi 5g, gia vị vừa đủ. Nếu có thận dê để thay thế thận lợn thì càng công hiệu.

Cách chế

Thận lợn bổ đôi, lọc bỏ gân trắng bên trong, bên ngoài dùng dao khía thành hình vuông hoặc hình chữ nhật rồi rửa thật sạch. Đỗ trọng và ngưu tất rửa sạch, gừng tươi thái lát mỏng hoặc thái chỉ. Cho đỗ trọng, ngưu tất và gừng tươi vào nồi, đổ vừa nước, dùng lửa to đun cho sôi rồi tiếp tục hầm kỹ bằng lửa nhỏ trong 60 phút. Tiếp đó, cho thận lợn vào đun sôi thêm ít phút cho chín là được, chế đủ gia vị, ăn nóng.

Công dụng

Bổ thận dưỡng can, trừ phong thấp, làm mạnh gân xương, đặc biệt tốt với cột sống và khớp gối. Được dùng để phòng chống các chứng bệnh theo y học cổ truyền như lưng đau gối mỏi, đầu choáng mắt hoa, di tinh, di niệu, hay đi tiểu đêm…, với y học hiện đại là các bệnh lý có liên quan đến xương khớp.

Theo quan niệm của Đông y, lưng là phủ của thận, can chủ gân, thận chủ cốt, can thận hư yếu thì lưng gối và các khớp sẽ đau mỏi. Để chữa bệnh này, ngoài việc dùng các vị thuốc có tác dụng bổ can thận, khu phong trừ thấp, người xưa còn chọn dùng quả thận của một số động vật làm thức ăn chữa bệnh theo học thuyết "dĩ tạng bổ tạng" (lấy tạng bổ tạng). Trong đó, thận của lợn và dê thường được dùng hơn cả. Thận lợn vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ thận, ích khí, làm khỏe lưng gối.

Đỗ trọng và ngưu tất đều có công dụng bổ can thận, cường gân cốt. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Cả hai vị đều có khả năng chống viêm, giảm đau, cải thiện công năng hệ thống miễn dịch và chống lão hóa. Riêng đỗ trọng còn có tác dụng hạ huyết áp, hạ đường máu và mỡ máu.

Như vậy, có thể thấy kinh nghiệm dùng món canh "Đỗ trọng trư yêu thang" để bảo dưỡng và phòng chống các bệnh lý khớp và cột sống là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Điều cần lưu ý là: Những người có hội chứng rối loạn lipid máu khi dùng món canh này nhất thiết phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa, bởi vì thận lợn là một trong những phủ tạng động vật có chứa nhiều cholesterol.

Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm