Theo kết quả khảo sát của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về thực trạng hoạt động của các nhóm trẻ cộng đồng tại năm tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp gần đây, chỉ có 18,9% gia đình gửi con vào các cơ sở mầm non công lập, trong khi tỷ lệ gia đình gửi con vào các nhóm giữ trẻ độc lập tư thục lên đến 36,7%, và rất nhiều nhóm trong số này chưa được cấp phép.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Nhu cầu gửi trẻ nhỏ rất lớn
Sự gia tăng dân số cơ học ở các tỉnh trọng điểm kinh tế có các khu công nghiệp ngày càng tăng dẫn đến sự gia tăng nhanh các nhóm trẻ tự phát, nhóm trẻ gia đình.
Sự ra đời của các nhóm trẻ này đã góp phần cùng ngành giáo dục giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà trẻ diễn ra hiện nay. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của các nhóm trẻ tự phát, nhóm trẻ gia đình lại rất đáng ngại.
Rất nhiều vụ đáng tiếc xảy ra đối với trẻ ở các nhóm trẻ này hầu hết do chủ nhóm trẻ hoặc người trông trẻ là người không có trình độ chuyên môn về chăm sóc trẻ.
Tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn và mặc dù chưa được cấp phép nhưng các nhóm trông, giữ trẻ kể trên vẫn hoạt động. Đó là do nhu cầu gửi trẻ rất lớn từ phía người dân, đặc biệt là người dân ở các khu công nghiệp, đô thị mới. Vì nhiều lý do, họ buộc phải gửi con vào những nhóm giữ trẻ chưa được cấp phép hoạt động.
Chị Bùi Thúy Ngà (số 3 đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, làm việc tại một xí nghiệp may mặc) chia sẻ: "Dù biết nơi đang gửi con không có giấy phép, nhưng vì kinh tế khó khăn, cả hai vợ chồng làm cùng một xí nghiệp và làm theo ca, không chủ động được thời gian nên chúng tôi buộc phải chấp nhận. Những nơi gửi trẻ như thế này khá linh hoạt về thời gian đưa đón trẻ, thuận tiện cho giờ giấc của chúng tôi. Hơn nữa, nơi này thu học phí thấp hơn nhiều so với các trường mầm non nhận trông trẻ dưới 36 tháng tuổi."
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành Hồ Chí Minh, cho biết sau những sự việc đáng tiếc xảy ra ở các nhóm trông trẻ tự phát, chưa được cấp phép, thành phố quyết tâm thanh tra để đóng cửa các cơ sở không đủ điều kiện và kiểm tra chặt chẽ các cơ sở không phép.
Tuy nhiên, thực tế khi đi kiểm tra thấy rằng không thể đóng cửa ngay các nhóm giữ trẻ này được vì nhu cầu gửi trẻ của người dân khá lớn. Đóng cửa các cơ sở này là đồng nghĩa với việc cha hoặc mẹ phải nghỉ làm ở nhà để chăm sóc con.
Nhân rộng mô hình “Nhóm trẻ dựa vào cộng đồng”
Vì rất khó để đóng cửa các nhóm trông, giữ trẻ tự phát, nhóm giữ trẻ gia đình không phép, nhiều địa phương đang có những cố gắng để nâng cấp những nhóm giữ trẻ này thành những nhóm giữ trẻ hoạt động có chất lượng, được cấp phép hoạt động, giải quyết phần nào nhu cầu gửi trẻ dưới 36 tháng tuổi của các gia đình.
Theo thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, những năm qua, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thí điểm xây dựng, hỗ trợ hai nhóm trẻ độc lập tư thục chưa được cấp phép hoạt động là nhóm giữ trẻ Hoa Mai tại khu chín thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức tỉnh Long An và nhóm giữ trẻ Hoàng Yến tại 4/49E khu phố Hòa Lân 1 phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Hai nhóm này còn thiếu các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học, giáo viên, bảo mẫu... và không đủ kinh phí để tự nâng cấp. Do đó, hội đã vận động, hướng dẫn chủ các nhóm trẻ cải tạo cơ sở vật chất, thuê giáo viên/bảo mẫu; đầu tư mua sắm bàn học, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ nhằm giúp các nhóm đảm bảo các điều kiện cần thiết để được cấp phép.
Đặc biệt Hội Phụ nữ phường Thuận Giao, Bình Dương, đã tín chấp cho chủ nhóm giữ trẻ Hoàng Yến vay từ nguồn tín dụng nhân dân số tiền 20 triệu đồng để đầu tư nâng cấp và mua sắm trang thiết bị vật chất cho trẻ. Bên cạnh đó, Công ty Du lịch Hòa Bình (đơn vị trực thuộc Hội Phụ nữ) hỗ trợ thêm vật chất cho nhóm này trị giá 10 triệu đồng.
Khi đã đầy đủ điều kiện, Hội Liên hiệp Phụ nữ Long An và Bình Dương đã chủ động đề xuất với chính quyền cấp phép hoạt động cho hai nhóm này. Sau đó, các cấp hội ở hai tỉnh đã tổ chức vận động nữ công nhân gửi con ở hai mô hình này.
Từ khi được cấp phép hoạt động, hai nhóm giữ trẻ trên đã hoạt động ổn định với các điều kiện chăm sóc trẻ tương đối tốt.
Cũng theo thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết Mai, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà trẻ hiện nay, thay vì đóng cửa các nhóm giữ trẻ tự phát, nhóm giữ trẻ gia đình, chính quyền các tỉnh nên "vào cuộc" bằng nhiều biện pháp, chẳng hạn phối hợp với nhiều đơn vị hỗ trợ một phần nào kinh phí để các nhóm này nâng cao cơ sở vật chất, mở các lớp bồi dưỡng nhân sự.../.
(TTXVN)
http://www.vietnamplus.vn/tim-giai-phap-nang-chat-luong-cac-nhom-giu-tre-tu-thuc/246560.vnp