Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 trong nội bộ Đảng Dân chủ chưa bao giờ là dễ dàng đối với bà Hillary Clinton.
Bà Clinton đang học rất nhanh từ thất bại năm 2008. Ảnh Getty Images
“Đứng dậy” từ thất bại năm 2008
Tờ Washington Post nhận định, những kẻ chỉ trích bà sẽ cho rằng, chẳng có gì dễ dàng hơn là tranh cử Tổng thống Mỹ với tư cách là Đệ nhất Phu nhân của một Tổng thống nổi tiếng toàn cầu như ông Bill Clinton và việc bà Hillary có giành chiến thắng cũng chẳng có gì là đáng ngạc nhiên.
Họ thậm chí còn cho rằng, nếu không cưới ông Bill Clinton, giờ bà có thể còn chưa trở thành Thượng nghị sĩ hay Ngoại trưởng chứ đừng nói gì đến việc tranh cử Tổng thống.
Dường như, đối với những người này, quá khứ huy hoàng khi là phu nhân của Tổng thống Bill Clinton mới là thứ họ quan tâm ở bà Hillary chứ không phải những gì mà bà đang nỗ lực hiện nay để vượt lên hàng đầu.
Rất ít người có thể cầu thị như bà Clinton khi học từ những thất bại trong quá khứ. Trong cuộc tranh cử năm 2008, những người phụ trách chiến dịch tranh cử cho bà bị coi chỉ là "một mớ ô hợp" nhưng lần này, bà đã chọn cho mình một đội biết làm việc ăn ý với nhau.
Sau khi thất bại trước ông Barack Obama hồi năm 2008, bà Clinton đã tìm cách tuyển mộ những người giỏi nhất trong nhóm phụ trách tranh cử của ông và luôn chuẩn bị chu đáo cho chiến dịch của mình từ những gì nhỏ nhất đến cả những việc hệ trọng khác.
Không những vậy theo thời gian, những đề xuất của bà trong những vấn đề hóc búa giờ đã trở nên chi tiết, thực tế và hiệu quả hơn rất nhiều. Nhiều người cho rằng, bà đã hơi “thiên tả” khi phải đáp lại những thách thức từ đối thủ cạnh tranh Bernie Sanders, tuy nhiên bà hiểu rõ những rủi ro khi làm điều này.
Không thể coi thường Bernie Sanders
Đôi lúc, bà Hillary Clinton cũng muốn kiếm lợi riêng cho bản thân và mong muốn này khiến bà phải “muối mặt” trước công chúng. Mặc dù vậy, dường như, những định kiến nhằm vào bà có vẻ rõ ràng hơn là đối với bất kỳ một chính trị gia nào khác nếu làm điều tương tự.
Hơn thế nữa, việc mang họ Clinton của chồng dường như đã phản tác dụng, thay vì được tán dương thì mọi việc bà làm đều có thể gây nghi ngờ và tranh cãi. Trong khi đó, đối thủ trong Đảng Dân chủ của bà, ông Sanders lại được ưu ái khi mọi bước tiến của ông dù là nhỏ nhất đều được đám đông ghi nhận.
Việc ông tự nhận mình là một nhà dân chủ xã hội chủ nghĩa lại khiến ông được nhiều hơn mất so với những ứng viên khác của Đảng Dân chủ. Sự cứng rắn của ông trong nhiều vấn đề đã tạo ra lợi thế không nhỏ cho ông Sanders trước một Hillary Clinton bị coi là “quá lọc lõi và đầy toan tính chính trị”. Có cảm tưởng những gì ông Sanders nói chính là những gì ông sụy nghĩ trong đầu.
Hai bang sẽ tham gia bỏ phiếu đầu tiên là Iowa và New Hampshire được coi là “sân nhà” của ông Sanders và lợi thế của ông là hoàn toàn có thể đoán được. Không cần phải là thiên tài cũng hiểu rõ rằng, ông Sanders không có đối thủ ở hai bang này.
Hơn thế nữa, sau 7 năm chịu "thất thế" dưới bóng Đảng Cộng hòa và liên tục ở vào thế bị động, những người ủng hộ Đảng Dân chủ hiện rất thích cách tiếp cận kiểu: “Tôi phải có mặt ở đây bởi tôi không thể làm khác được” của ông Sanders.
Chưa thể ngã ngũ
Tuy nhiên, có thể ông Sanders lại rơi vào cái gọi là “Nghịch lý Obama” khi Tổng thống Mỹ giành được tới 91% sự ủng hộ của những người ủng hộ Đảng Dân chủ ở bang Iowa nhưng ngay cả những người ngưỡng mộ ông Sanders nhất cũng từng ước rằng ông có thể mạnh mẽ hơn khi đối mặt với những đối thủ ở Đảng Cộng hòa.
Nhiều người đã nhắc lại với ông Sanders những gì mà họ đã chia sẻ với ông Obama vào năm 2010: “Dù ông Obama và Đảng Dân chủ đã làm được rất nhiều điều lớn lao nhưng điều đó vẫn là chưa đủ. Chúng ta cần phải cứng rắn hơn”.
Dường như trong cuộc chiến này, bà Hillary đang bị coi nhẹ hơn ông Sanders. Mặc dù vậy cần nhớ rằng, sau Iowa và New Hampshire, ưu thế lại sẽ dành cho bà và hiện tại, vị thế của bà trong Đảng Dân chủ vẫn rất mạnh. Hơn thế nữa, nhiều người ủng hộ ông Sanders cũng có cái nhìn tích cực hơn về bà.
Tuy nhiên, chiến dịch quảng bá mới của ông Sanders dựa trên bài hát “America” của hai ca sĩ lừng danh Simon và Garfunkel là lời cảnh báo trực tiếp đến bà Hillary Clinton bởi điều này cho thấy, chiến dịch của ông Sanders bắt đầu có những điểm giống với Tổng thống Obama hồi năm 2008.
Bà Clinton khẳng định, bà “không hề ảo tưởng về việc nắm quyền lãnh đạo ngày hôm nay khó khăn như thế nào”. Tuy nhiên, bà cũng tự tin khẳng định mình sẽ tìm ra “nguồn cảm hứng mới” cho chiến dịch tranh cử của mình./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN