Cập nhật: 15/06/2016 09:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đề nghị giao Bộ Giáo dục và Đào tạo thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật giáo dục. Hệ thống này bao gồm từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, kể cả bậc trung cấp nghề, cao đẳng nghề hiện đang thuộc quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Bộ Giáo dục cũng đề xuất sẽ chuyển phần lớn bộ máy, nhân sự của Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chỉ để lại một đơn vị chăm lo đào tạo nghề ngắn hạn có cấp chứng chỉ cho người lao động, đào tạo người thất nghiệp, tàn tật… thực hiện chức năng về chính sách bảo trợ xã hội của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Chồng chéo quản lý

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, trong thời gian qua, sự song trùng quản lý giáo dục và đào tạo giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gây ra những bất cập về quản lý, đi ngược với chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Cụ thể, theo sự phân công hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý hai bậc học giữa (trung cấp nghề và cao đẳng nghề). Trong khi đó, giáo dục trung cấp chuyên nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tập trung đào tạo nghề, thiên về thực hành, cho người học.

Sự chồng chéo này đã làm mất đi tính chỉnh thể của hệ thống giáo dục và đào tạo gây khó khăn lớn cho công tác phân luồng học sinh và liên thông trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân.

Mỗi năm, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng từ 250.000 đến 300.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc bỏ học không vào học trung học phổ thông. Trong số này, chỉ khoảng 50.000 học sinh vào học các trường trung cấp.

Do phân công quản lý hiện tại, ngành lao động không thể can thiệp được vào các trường phổ thông để thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, vốn do sở giáo dục và đào tạo thực hiện.

Sự chồng chéo này cũng khiến cho việc quy hoạch tổng thể về giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực do cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương không chung một đầu mối.

Quy hoạch giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp do ngành giáo dục xây dựng và thực hiện, riêng dạy nghề lại do ngành lao động quản lý chỉ đạo xây dựng và thực hiện.

Lãng phí quản lý, thiệt thòi người học

Việc hai Bộ quản lý hai hệ thống cũng khiến việc liên thông giữa dạy nghề và giáo dục đại học ách tắc do không thống nhất chuẩn đầu ra ở các trình độ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đào tạo theo tín chỉ, còn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đào tạo theo môn học hoặc mô đun với tiêu chuẩn kiểm định khác nhau.

Điều này khiến người học chịu thiệt thòi trong quá trình công nhận miễn trừ những nội dung đã học ở các trường đại học. Liên thông khó khăn gây ảnh hưởng đến công tác phân luồng vào giáo dục nghề nghiệp.

Trong quản lý Nhà nước, do hình thành hai cơ quan đầu mối ở trung ương dẫn đến tăng đầu mối quản lý ở cấp địa phương. Ở 63 tỉnh thành đều có phòng quản lý dạy nghề thuộc các sở lao động thương bình và xã hội, trong khi 63 sở giáo dục và đào tạo đều có phòng giáo dục chuyên nghiệp làm cả nhiệm vụ quản lý giáo dục đại học địa phương.

Đặc biệt, ở Trung ương, Tổng cục Dạy nghề (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng có các vụ tương tự như các vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà không có liên hệ chặt chẽ với các vụ của Bộ này như Vụ Học sinh sinh viên, Vụ Dạy nghề chính quy, Vụ Dạy nghề thường xuyên, Vụ Giáo viên và Cán bộ quản lý dạy nghề…

Thậm chí, ở một số trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước tổ chức đào tạo nghề với quy mô lớn lên đến 7.000 người, nhưng lại do ngành lao động quản lý chỉ tiêu. Các trường này cũng luôn lúng túng khi vừa phải theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa chịu sự chi phối của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Việt Nam đang quản lý "không giống ai"?

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo như ở Việt Nam không phù hợp với thực tiễn thế giới.

Tại tờ trình Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo nghiên cứu của Bộ này, ở hầu hết các quốc gia, việc quản lý giáo dục nghề nghiệp do Bộ Giáo dục thực hiện. Ví dụ Trung Quốc với dân số trên một tỷ người, công tác đào tạo nghề do Bộ Giáo dục thống nhất quản lý nhà nước.

Ở một số quốc gia, ngành lao động có thể quản lý đào tạo nghề ngắn hạn, thực hiện chức năng bảo trợ xã hội, đào tạo cho những người yếu thế trong xã hội nhằm đào tạo kỹ năng lao động cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đào tạo nhân lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì phải do ngành giáo dục quản lý đảm bảo văn bằng chuẩn hóa và thống nhất.

Cũng theo tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên thế giới, mô hình chung nhất là tất cả các bậc đào tạo có cấp bằng trong hệ thống giáo dục quốc dân thì thuộc quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các khóa bồi dưỡng nghề ngắn hạn cấp chứng chỉ có thể do các bộ, ngành, tổ chức khác quản lý.

Với các lý lẽ trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ xem xét giao Bộ này thống nhất quản lý nhà nước hệ thống giáo dục, kể cả bậc trung cấp nghề, cao đẳng nghề hiện thuộc quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trước đó, theo kế hoạch, khi xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020, Chính phủ sẽ phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp./.

Theo PHẠM MAI (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/kien-nghi-chinh-phu-thong-nhat-quan-ly-dao-tao-nghe-ve-bo-giao-duc/391063.vnp

Tệp đính kèm