Khi bị viêm tuyến giáp mạn tính, còn gọi là viêm tuyến giáp Hashimoto thường dẫn đến hậu quả là tuyến giáp bị tổn thương dần dần, khả năng sản xuất hormon tuyến giáp bị giảm gây suy giáp, có thể để lại di chứng trên nhiều bộ phận khác của cơ thể và có thể di truyền cho thế hệ sau nếu người mẹ mang bệnh không được điều trị triệt để.
Khám tuyến giáp cho bệnh nhân.
Các loại viêm tuyến giáp
Viêm tuyến giáp mạn tính
Đây là loại viêm tuyến giáp phổ biến nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây suy giáp; là hậu quả rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch. Thông thường, hệ thống miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại các vi khuẩn và virut nhưng trong bệnh Hashimoto, nó lại sinh ra những kháng thể tấn công vào các cơ quan, trong đó có tuyến giáp.
Tuyến giáp bị phá hủy dần dần và rất âm thầm nên đa số người bệnh không biết và không được chẩn đoán. Đến khi tuyến này bị phá hủy quá nhiều, không sản xuất đủ lượng nội tiết tố mà cơ thể cần thì bệnh suy giáp xuất hiện; nhiều trường hợp có biểu hiện là bướu cổ to.
Viêm tuyến giáp Hashimoto gặp ở khoảng 5% người trưởng thành và có xu hướng tăng lên theo tuổi. Bệnh có tính chất gia đình, gặp chủ yếu ở phụ nữ và thường phối hợp với một số bệnh khác như đái tháo đường, viêm khớp, bạch biến...
Viêm tuyến giáp bán cấp
Là dạng thường gặp sau viêm tuyến giáp Hashimoto, hay xuất hiện sau một đợt bị viêm hầu họng hoặc viêm đường hô hấp trên. Lúc đầu, tuyến giáp bị phá hủy đã giải phóng ra nhiều nội tiết tố dự trữ, gây cường giáp tạm thời. Sau 1-2 tháng, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng suy giáp do tuyến giáp đã bị phá hủy, không còn khả năng sản xuất, còn lượng nội tiết tố dự trữ đã sử dụng hết. Sau 6-9 tháng, đa số bệnh nhân sẽ trở về bình giáp, tuy nhiên một số sẽ bị suy giáp vĩnh viễn. Có hai thể viêm tuyến giáp bán cấp, đó là:
Thể đau dữ dội: Tuyến giáp (tương ứng vùng cổ trước) sưng, toàn bộ vùng cổ đau dữ dội gây hạn chế vận động, nuốt đau, mất ngủ... Điều trị bằng aspirin hoặc các thuốc chống viêm giảm đau khác, đặc biệt với corticoid. Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ hoặc vừa.
Thể không đau: Các triệu chứng thường nhẹ, tuyến giáp có sưng nhưng không đau, thường xảy ra ở những phụ nữ sau sinh (5-9%) trong vòng 1 năm nên còn được gọi là viêm tuyến giáp sau sinh. Bệnh có xu hướng hay tái phát ở những lần có thai sau.
Viêm tuyến giáp cấp
Còn gọi là viêm tuyến giáp sinh mủ, nguyên nhân là vi khuẩn. Bệnh rất hiếm gặp. Bệnh nhân thường mệt mỏi, sốt cao, vùng cổ sưng nóng, đỏ, đau. Viêm tuyến giáp cấp được xem là một cấp cứu nội khoa, cần điều trị tích cực bằng kháng sinh liều cao và chích tháo mủ.
Chẩn đoán viêm tuyến giáp tương đối khó, nhất là khi các triệu chứng còn nhẹ, không có triệu chứng hoặc bệnh nhân đã tự dùng kháng sinh và thuốc giảm đau trước khi đến bệnh viện. Việc điều trị sẽ tùy theo thể bệnh, giai đoạn bệnh và mức độ của các triệu chứng. Nhìn chung, tiên lượng của các bệnh nhân viêm tuyến giáp là tốt, phần lớn đều khỏi bệnh và có cuộc sống hoàn toàn bình thường.
Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh
Tuyến giáp là một cơ quan thuộc hệ nội tiết, nó sản xuất ra hai hormon chính là T3 và T4 có vai trò quan trọng trong điều hoà hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể như hệ tim mạch, hệ thần kinh và hệ tiêu hoá... cũng như chuyển hoá các chất carbohydrate, chất béo, chất đạm... Bình thường thì lượng hormon TSH (hormon kích thích tuyến giáp) được tuyến yên giải phóng ra tỉ lệ nghịch với nồng độ hormon T3, T4 trong máu, nó sẽ kích thích tuyến giáp hoạt động mạnh hay yếu để giữ nồng độ hormon giáp trong máu luôn ở trong giới hạn bình thường. Ngoài ra, các phản ứng miễn dịch là một hoạt động đặc biệt bảo vệ cơ thể nhưng trong bệnh viêm tuyến giáp mạn tính, hệ miễn dịch sinh ra kháng thể chống lại chính tuyến giáp. Hậu quả là tuyến giáp bị viêm, giảm khả năng sản xuất hormon tuyến giáp gây nên tình trạng suy giáp.
Các biến chứng dễ gặp
Nếu không điều trị, bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh như:
Bướu cổ: là hậu quả của tình trạng chịu kích thích kéo dài dẫn đến tuyến giáp bị phì đại. Đa số bệnh nhân không thấy có phiền toái gì nhưng một số người có bướu giáp to gây khó nuốt và khó thở, ngoài ra còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ. T uy nhiên các bệnh nhân này hiếm khi phải phẫu thuật.
Bệnh tim mạch: suy giáp do viêm tuyến giáp mạn tính có thể là một yếu tố nguy cơ tim mạch do gây rối loạn mỡ máu dẫn đến xơ vữa động mạch, đáng sợ nhất là xơ vữa mạch vành. Một số người bệnh suy giáp có thể bị tăng huyết áp. Suy giáp nặng cũng có thể gây tim to, tràn dịch màng tim và đôi khi gây suy tim.
Tâm thần kinh: trầm cảm có thể xuất hiện từ rất sớm và có xu hướng nặng lên theo tiến triển của bệnh. Viêm tuyến giáp mạn tính cũng có thể gây suy giảm tình dục ở cả nam và nữ, gây suy giảm các chức năng tâm thần khác như trí nhớ, khả năng tập trung, giấc ngủ...
Phù niêm: đây là một biểu hiện tuy hiếm gặp nhưng rất nặng ở người bệnh bị suy giáp kéo dài. Các triệu chứng bao gồm: sợ lạnh, hạ thân nhiệt (có thể thấp tới 35độ C), lờ đờ, ngủ gà, luôn trong tình trạng mệt mỏi và cuối cùng là hôn mê. Bệnh khởi phát hoặc nặng lên do nhiễm khuẩn, stress hoặc do dùng thuốc ngủ. Những bệnh nhân này cần được điều trị cấp cứu ngay vì tiên lượng rất nặng.
Các dị tật bẩm sinh: con của những bà mẹ bị suy giáp do viêm tuyến giáp Hashimoto mà không được phát hiện sẽ có nguy cơ rất cao bị các dị tật bẩm sinh về não, tim, thận... và chậm phát triển cả về thể chất và trí tuệ sau khi sinh ra. Tuy nhiên nếu suy giáp ở người mẹ được phát hiện và điều trị sớm trong những tuần đầu thì kết quả rất tốt, nguy cơ bị dị tật chỉ là tương đương với con của những bà mẹ bình thường khác. Vì thế, những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên kiểm tra chức năng tuyến giáp trước khi có thai. Những người bị sảy thai, thai lưu nhiều lần cũng nên kiểm tra hormon tuyến giáp.
Điều trị bệnh
Phương hướng điều trị bệnh viêm tuyến giáp mạn tính phụ thuộc tình trạng bệnh nhân đã có suy giáp hay chưa. Nếu không có bằng chứng của thiếu hụt hormon tuyến giáp thì người bệnh không cần điều trị gì nhưng cần tái khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời suy giáp. Với những bệnh nhân có thiếu hụt hormon (có suy giáp) sẽ được điều trị thay thế bằng hormon giáp tổng hợp, thuốc có cấu trúc và tác dụng giống hệt hormon tự nhiên do tuyến giáp sản xuất ra. Thường sau khi điều trị một thời gian ngắn, bệnh nhân sẽ thấy đỡ mệt nhưng để cải thiện hoàn toàn các triệu chứng cũng như kết quả xét nghiệm (T4, TSH, cholesterol...) về bình thường thì phải mất 3 - 6 tháng.
Lưu ý: Khi đã bị suy giáp, các bệnh nhân viêm tuyến giáp mạn tính cần điều trị hormon thay thế suốt đời. Để đảm bảo liều thuốc có tác dụng thì người bệnh cần được xét nghiệm đánh giá thường xuyên, có thể là hàng tháng trong thời gian đầu cho đến khi xác định được liều thích hợp, sau đó là hàng năm.
BS. Hạnh Hồ
Theo suckhoedoisong.vn