Cập nhật: 28/06/2016 08:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Viêm bàng quang cấp gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, người trưởng thành gặp nhiều hơn, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm bàng quang mạn tính và có thể gây biến chứng.


Nguyên nhân gây viêm bàng quang cấp tính

Viêm bàng quang cấp chủ yếu là do vi sinh vật, trong đó vi khuẩn đóng vai trò đáng kể, nhất là họ vi khuẩn đường ruột, đứng hàng đầu là E.coli, sau đó là Proteus, Enterobacter, Citrobacter, Kebsiella. Tiếp đến là vi khuẩn họ cầu khuẩn, chủ yếu là tụ cầu da (S. epidermidis) hoặc tụ cầu hoại sinh (S. saprophyticus). Vi khuẩn mủ xanh (P. aeruginosa) có thể gây viêm bàng quang cấp, nếu do chúng sẽ rất khó khăn cho việc điều trị, bởi vì, vi khuẩn này có sức đề kháng rất tốt, đồng thời chúng có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh (đa đề kháng kháng sinh). Ngoài ra, viêm bàng quang cấp có thể do vi khuẩn gây viêm niệu đạo cấp hoặc mạn tính đi ngược lên như Chlammydia, Mycolasma.

Bên cạnh đó, có một số yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh viêm bàng quang cấp, đó là bàng quang ứ nước do sỏi bàng quang hoặc sỏi niệu đạo hoặc do sự chèn ép bàng quang gây ứ đọng nước tiểu (tăng sinh tiền liệt tuyến ở nam giới, nhất là người cao tuổi). Ở phụ nữ do ít vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài hoặc vệ sinh không đúng cách, trong khi cấu tạo niệu đạo ngắn, lại ở sát gần hậu môn rất dễ vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo, đi ngược lên bàng quang gây viêm cấp tính. Ngoài ra, một số thống kê cho thấy ở nữ giới đang ở tuổi sinh hoạt tình dục mạnh (sau khi cưới chồng hoặc quan hệ tình dục nhiều lần do lạm dụng tình dục) rất dễ bị viêm bàng quang cấp.

Triệu chứng viêm bàng quang cấp biểu hiện như thế nào?

Triệu chứng thường gặp nhất là đi tiểu có cảm giác bỏng rát, đau nhức vùng dưới rốn trên xương mu (nơi đối diện với bàng quang) và tiểu rát, dắt, buốt, thậm chí đau lan sang niệu đạo, âm hộ (nữ giới) nhưng sau khi đi tiểu xong, sẽ giảm đau hoặc hết đau rát. Luôn cảm thấy buồn đi tiểu và tiểu nhiều lần trong ngày, đặc biệt hay đi tiểu đêm, thậm chí tiểu không tự chủ hoặc són tiểu. Nước tiểu màu đục (có mủ), có mùi hôi, khắm, thậm chí đi tiểu ra máu (màu nước tiểu đỏ).

Để chẩn đoán viêm bàng quang cấp, cần hỏi kỹ tiền sử của người bệnh, kết hợp với các triệu chứng lâm sàng. Bên cạnh đó, cần chụp Xquang, siêu âm hệ tiết niệu, tiền liệt tuyến (nam giới). Nếu điều kiện cho phép nên nuôi cấy nước tiểu để xác định vi khuẩn và độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh (áp dụng kỹ thuật kháng sinh đồ) nhằm giúp bác sĩ điều trị chọn kháng sinh thích hợp để điều trị có hiệu quả hơn.

Tác hại của viêm bàng quang cấp

Trước tiên, viêm bàng quang cấp làm cho người bệnh lo lắng, buồn phiền, thậm chí gây hoang mang, nhất là có đái máu hoặc đái đục làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nói chung và ảnh hướng đến cuộc sống thường ngày, nhất là các đôi nam nữ mới lập gia đình hoặc người cao tuổi. Nếu không phát hiện hoặc ngại không đi khám bệnh, viêm bàng quang cấp sẽ chuyển sang viêm bàng quang mạn tính, các triệu chứng sẽ xuất hiện liên tục, dai dẳng, gây rất nhiều phiền toái cho người bệnh. Đặc biệt, viêm bàng quang cấp không chữa trị dứt điểm có thể gây viêm ngược dòng lên thận gây viêm thận (viêm bể thận) và hậu quả xấu nhất là gây suy thận. Viêm bàng quang cấp có thể gây nhiễm khuẩn huyết - một căn bệnh rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không phát hiện hoặc phát hiện muộn.

Điều trị

Khi nghi ngờ bị viêm bàng quang cần đi khám bệnh ngay để được xác định và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng. Không tự chẩn đoán bệnh và không tự mua thuốc điều trị khi không có chuyên môn về y học, bởi vì các loại vi khuẩn gây viêm bàng quang cấp đã và đang đề kháng nhiều kháng sinh, nếu làm như vậy, bệnh không những không khỏi mà có thể nặng thêm, phức tạp thêm. Khi đã có chỉ định điều trị của bác sĩ, cần tuân theo một cách nghiêm túc, tránh điều trị dở dang, tránh tự động thay thuốc và tránh tự động điều chỉnh liều lượng thuốc.

BS. Việt Thanh

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm