Cập nhật: 23/11/2016 08:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 22-11, tại hai tỉnh Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế, hai chiếc tàu cá vỏ thép đã được bàn giao cho ngư dân.

 

Bàn giao tàu cá vỏ thép ở Quảng Ngãi.

Sáng 22-11, tại cảng cá Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang, Tập đoàn Vingroup tổ chức bàn giao tàu cá vỏ thép trị giá 12 tỷ đồng cho ngư dân.

Theo đó, tàu vỏ thép trị giá 12 tỷ đồng mang số hiệu QNg 98959 TS được bàn giao cho ngư dân Huỳnh Thạch (44 tuổi) ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Đây là ngư dân có tàu cá từng bị tàu nước ngoài đâm va gây thiệt hại nặng khi đang khai thác hải sản ngoài khơi.

 

Tàu cá vỏ thép có chiều dài 26m, rộng gần 7m và cao 3,4m; sử dụng động cơ mới 100% nhập khẩu của hãng Mitsubishi với tổng công suất 811CV. Trên tàu có đầy đủ các phân khu chức năng để hành nghề lưới vây kiêm chụp mực và đáp ứng nhu cầu đánh bắt, sinh hoạt dài ngày trên biển cho 10 ngư dân. Vùng hoạt động chủ yếu của tàu sẽ là hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa.

Toàn bộ con tàu và trang thiết bị kèm theo có tổng giá trị 10,5 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng là chi phí để mua sắm ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt. Toàn bộ số tiền được Tập đoàn Vingroup hỗ trợ không hoàn lại 100%. Đây là con tàu vỏ thép thứ tư được Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi huy động để đóng mới và bàn giao cho ngư dân.

Dịp này, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi cũng trích 269 triệu đồng từ nguồn quỹ xã hội hóa huy động được để hỗ trợ nhiều ngư dân có hoàn cảnh khó khăn.

* Ngày 22-11, tại Hải đội 2 Biên phòng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế diễn ra lễ bàn giao tàu cá vỏ thép đầu tiên theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ cho ngư dân Trần Văn Chiến, ở xã Phú Thuận (huyện Phú Vang).

Tàu vỏ thép số hiệu TTH-99999.TS do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á (gọi tắt là Công ty Đông Á) đóng mới và bàn giao cho ngư dân Trần Văn Chiến theo hình thức "chìa khóa trao tay". Thời gian từ khi thi công đến hoàn thành và bàn giao tàu trong vòng 4 tháng. Tàu có tổng mức đầu tư 18,4 tỷ đồng; trong đó, nhà đầu tư tự bỏ vốn 5%; còn lại, Ngân hàng BIDV chi nhánh Thừa Thiên - Huế cho vay 95% vốn để thực hiện đóng mới tàu (khoảng 17,52 tỷ đồng).

 

Tàu có chiều dài 28,09 m; rộng 6,79 m; được thiết kế theo yêu cầu đối với tàu biển cấp 1 - Tiêu chuẩn Việt Nam, hoạt động an toàn ở vùng biển xa bờ đến 200 hải lý với một máy chính hiệu Mitsubishi với công suất 822HP, hai máy phát điện 79KVA và 17KVA, hệ thống lái điện thủy lực, tời kéo lưới thủy lực bốn tấn, tời neo thủy lực 1,5 tấn.

Tàu có tốc độ di chuyển cao, tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình vận hành; cũng như tính ổn định tốt làm cho việc đánh bắt thuận lợi hơn, sinh hoạt của thuyền viên dễ chịu hơn. Kết cấu tàu vững chắc, có khả năng chịu va đập, sóng gió tốt hơn và hạn chế tối đa thiệt hại khi bị va chạm trên biển.

 

Bàn giao tàu cho ngư dân Trần Văn Chiến.

Trong buổi tiếp nhận tàu, ngư dân Trần Văn Chiến phấn khởi vì chuyển từ tàu gỗ sang tàu vỏ sắt sẽ đảm bảo tàu hoạt động an toàn và bền bỉ; trên tàu có khoang cá lớn, chứa nhiên liệu và nước ngọt dự trữ nhiều, giúp cho những chuyến đi biển dài ngày hơn; đồng thời với hệ thống bảo quản cá hiện đại giúp việc bảo quản sản phẩm tốt hơn nên chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ cao hơn, góp phần tiết kiệm được vật tư và nhân công, nâng cao hiệu quả đánh bắt. Theo ông Chiến, việc đóng mới tàu cá vỏ thép sẽ phục vụ cho việc ra khơi bám biển, tăng năng suất, sản lượng đánh bắt và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thực hiện Nghị định 67/CP-CP của Chính phủ, đến nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 30 chiếc tàu cá công suất lớn đã đóng mới và được hạ thủy, đưa vào hoạt động, trong đó có hai tàu cá vỏ thép đã và đang được đóng mới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ngư dân chưa thực sự mặn mà với chủ trương này, do vẫn còn có một số vướng mắc trong quá trình thực hiện, như có quá nhiều thủ tục trong quá trình thực hiện việc vay vốn đóng mới, vốn đối ứng cũng là trở ngại, gây khó khăn lớn đối với ngư dân; việc cải hoán tàu cũ thành tàu mới không được chấp nhận, việc hoàn thuế giá trị gia tăng chậm, việc thiết kế tàu chưa đáp ứng nguyện vọng của ngư dân, cơ sở hạ tầng cảng cá, luồng lạch thuyền neo đậu xuống cấp trầm trọng, không đáp ứng yêu cầu. Nhiều tàu, thuyền có công xuất lớn của ngư dân Thừa Thiên - Huế khi gặp thiên tai phải neo đậu ở các tỉnh lân cận. Đó chính là những trở lực khiến cho ngư dân ở Thừa Thiên - Huế chưa mặn mà với đóng mới tàu cá mới theo Nghị định 67/CP-CP của Chính phủ.

MINH TRÍ - LÊ DANH - CÔNG HẬU - HẦU TỶ

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm