Nằm bên dòng sông Bồ trong xanh, làng Hiền Lương thuộc xã Phong Hiền, H. Phong Điền (TT-Huế) được hình thành cách đây gần 600 năm, gắn liền với quá trình khai sơn phá thạch tạo lập vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân. Nơi đây còn được vinh danh bởi nghề rèn nức tiếng trong cả nước với những kỳ tích từ bàn tay người thợ tài hoa của làng nghề. Sự nổi tiếng của làng rèn Hiền Lương còn được sử sách ghi danh.
Nghề rèn Hiền Lương được công nhận là nghề truyền thống của tỉnh TT-Huế.
"Kỳ tích làng rèn"
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, làng Hiền Lương trước đây có tên là Hoa Lang nhưng do làng trùng húy với Thái Hậu Hoàng Thị Hoa (mẹ của vua Thiệu Trị) nên năm 1842, làng Hoa Lang được đổi thành Hiền Lương. "Hiền Lương nghĩa là con người nơi đây giàu đức hạnh, tài năng vượt trội, giữ lòng không bao giờ thay đổi", nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa cho hay.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, khi người Việt vào Hiền Lương khai sơn phá thạch, lập làng xã thì ngoài nghề nông, người dân lúc đó lấy nghề rèn làm kinh tế. Họ chuyên rèn các dụng cụ nông nghiệp như: cuốc, rựa, liềm, câu liêm... Do nhu cầu phát triển của xã hội lúc bấy giờ, đặc biệt là những tháng năm khai hoang, nghề rèn Hiền Lương dần dần phát triển, nổi tiếng. Từ đó, người Hiền Lương đã đưa nghề rèn vươn ra nhiều làng quê khắp cả nước.
Nay đã bước sang tuổi 80, cụ Hoàng Kim Hứa có 65 năm gắn bó với nghề rèn, kể: Từ rất xưa, làng rèn Hiền Lương được nhiều người biết đến vì có nhiều kỳ tích dược quốc sử ghi lại rằng: "Rèn ra nông cụ phục vụ nông nghiệp có thợ Hoa Lang; sản xuất vũ khí cho quân đội Tây Sơn có người Hoa Lang; chế tạo thành công tàu thủy chạy bằng hơi nước đầu tiên của Đại Nam có người Hiền Lương...". Đó là vào năm 1840, ngài Hoàng Văn Lịch đã chế tạo thành công 3 chiếc tàu chạy bằng hơi nước và được nhà vua đặt tên là: Yên Phi (chiếc tàu lớn), Vân Phi (chiếc tàu vừa), Vụ Phi (chiếc tàu nhỏ). Ngài Hoàng Văn Lịch được vua Minh Mạng ưu đãi thọ phong tước Lương Sơn Hầu; thời Thiệu Trị ban tặng Minh Nghĩa Đô úy Hoàng Văn Lịch.
Kế tục lớp cha ông đi trước; trong làng còn có những tên tuổi như: Dương Phước Thiệu, người rất giỏi về kỹ thuật rèn, tiện, nguội...; Trương Quang Sừng, người được xem là thợ cơ khí bậc cao hiếm có, một vị thầy dạy nghề tài ba ở trường kỹ nghệ dưới thời vua Thành Thái và đã góp công đào tạo nên một thế hệ người tài trong lĩnh vực cơ khí, gò, rèn, tiện, nguội, phay, bào; Hoàng Như Nghi, người có công sáng chế ra loại máy dẫn thủy nhập điền dưới thời Bảo Đại và rất nhiều người thợ giỏi từng làm nên những kỳ tích nghề rèn...
Một số sản phẩm của nghề rèn Hiền Lương rất gần gũi với đời sống nông dân.
"Vực dậy làng nghề bằng du lịch"
Đến làng Hiền Lương vào một ngày cuối năm, dẫn chúng tôi đến thăm Tổ đình nghề rèn tọa lạc giữa không gian xanh của làng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền Hoàng Ngọc Trung cho hay: "Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rất đông con dân Hiền Lương hăng hái tham gia cách mạng. Từ người thợ, nhiều người trong số họ sau này đã trở thành những kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao nổi tiếng trong việc chế tạo vũ khí, phục vụ trong ngành quân giới, pháo binh, không quân, xe lửa, tàu thủy, nhiệt luyện... Giới thiệu những sản phẩm rèn được trưng bày tại Tổ đình, ông Hoàng Ngọc Trung chia sẻ: Nghề rèn Hiền Lương đã đi vào quốc sử, đã làm nên những kỳ tích và đây cũng là ngôi làng rèn cổ duy nhất của miền Trung một thời gian dài rất hưng thịnh.
Đưa chúng tôi đến nhiều gia đình làm nghề rèn một thời lừng danh ở đất Hiền Lương để tìm hiểu thêm, ông Trung có chút trăn trở khi cho biết, từ năm 1988 đến nay, nghề rèn Hiền Lương dần dần mai một. Hiện, ở làng Hiền Lương chỉ còn vài ba người tuổi xế chiều vì yêu nghề nên nhóm bếp mỗi ngày. Đến nhà cụ Hoàng Kim Hứa khi cụ đang hoàn thiện công đoạn cuối cùng của 1 con dao phay. "Cứ Tết đến, thấy con cháu trong làng làm ăn xa trở về, có nhiều người đi xe ô-tô tui vui lắm vì chứng tỏ cuộc sống giàu có. Nhưng nghĩ đến, thanh niên trong làng khi lớn lên đều lần lượt rời quê đi làm ăn xa, tui rất buồn vì không còn ai theo nghề rèn"- cụ Hứa giọng trầm buồn. Chung tâm trạng, bác Trương Văn Thêm (65 tuổi) cũng đau đáu khi nghề rèn trước nguy cơ thất truyền. Khi chúng tôi đến nhà, bếp lò nguội ngắt.
Theo ông Hoàng Ngọc Trung, để vực dậy và phát triển làng nghề rèn, xã đã lên phương án xây dựng làng Hiền Lương thành điểm đến du lịch. Bởi, ngoài làng rèn cổ duy nhất của miền Trung thì làng rèn Hiền Lương còn có lợi thế nằm trên trục QL1A, cách trung tâm TP Huế chưa đầy 20km.
ST