Cập nhật: 07/02/2017 10:32:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sứt môi, hở hàm ếch hay còn gọi là khe hở môi, vòm miệng là một trong những dị tật bẩm sinh có tỷ lệ mắc khá cao ở nước ta với khoảng 1/1000 – 2/1000 trường hợp.

Phẫu thuật dị tật bẩm sinh khe hở môi, vòm miệngCác bước phẫu thuật cho trẻ dị tật bẩm sinh khe hở môi, vòm miệng.

Dị tật này không chỉ ảnh hưởng tới yếu tố thẩm mỹ và tâm lý mà còn ảnh hưởng tới các hoạt động chức năng khác của cơ thể.

Nguyên nhân nào gây dị tật?

Sứt môi và hở  hàm ếch thường gây ra bởi sự kết hợp của yếu tố di truyền và các yếu tố môi trường. Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình mà thế hệ trước có người mắc bệnh thường dễ mắc bệnh hơn. Số trẻ trai bị sứt môi nhiều hơn số trẻ gái và trẻ gái bị hở hàm ếch lại nhiều hơn.

Những trường hợp mang thai có thể có nguy cơ cao đối với bệnh sứt môi và hở hàm ếch ở trẻ: nhiễm vi rút, thiếu axit folic, việc sử dụng một số loại thuốc trong thời gian mang thai như thuốc chống động kinh, thuốc an thần, thuốc có chứa corticoid. Hiện tượng sứt môi, hở hàm ếch có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên miệng. Khi có trẻ bị khe hở môi - vòm miệng (KHM-VM), gia đình nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt (ngay trong tuần đầu tiên sau khi sinh). Bé sẽ được làm nhỏ khe hở môi, đeo khí cụ để che khe hở thông hàm ếch với mũi và tạo hình lại mũi bị lệch hoặc bị bè rộng do khe hở. Khi bé đeo hàm, những vấn đề khó khăn trước đó đã được khắc phục đáng kể như trẻ có thể bú nhiều hơn, nhanh hơn, hạn chế được tình trạng bé bị sặc sữa khi bú, khe hở môi được kín hơn,  cánh mũi của bé được nâng lên và trở nên cân đối, thu nhỏ hơn. Khi bú (bú bình) hàm sẽ không bị đẩy ra ngoài, trẻ được bịt kín khe hở thông miệng mũi nên ít bị sổ mũi, viêm đường hô hấp trên hơn.

Điều trị  cho trẻ như thế nào?

Mục tiêu  của điều trị bệnh lý dị tật bẩm sinh KHM-VM  là đóng kín khe hở,  phục hồi hình thái giải phẫu môi-mũi-cung hàm-vòm miệng, thông suốt đường thở qua mũi, hồi phục và hoàn thiện chức năng nghe nói, hướng dẫn cùng với tái tạo khớp cắn đúng nhờ đó khôi phục tốt chức năng nhai, hướng tới bộ mặt thẩm mỹ bình thường và hỗ trợ phát triển tâm lý để trẻ hòa nhập tốt với cộng đồng.

Để điều trị cho trẻ mắc dị tật KHM-VM đạt được những mục tiêu trên cần có sự phối hợp điều trị tốt của các bác sĩ phẫu thuật hàm mặt, nhi khoa, dinh dưỡng, tai mũi họng, ngôn ngữ, chỉnh nha, phục hình răng... trong một thời gian dài. Đó là quá trình liên tục, qua nhiều giai đoạn và không thể thiếu được sự phối hợp của bản thân,  gia đình bệnh nhân và cộng đồng.

Cụ thể, gia đình có trẻ khi sinh ra mắc dị tật khe hở môi vòm miệng, ngay sau khi sinh nên cho trẻ đi khám toàn diện để được tư vấn về sức khỏe, cách thức chăm sóc và chế độ dinh dưỡng.

Từ tuần lễ đầu tiên đến 10 ngày sau sinh điều trị trước phẫu thuật bằng các khí cụ như máng bịt hàm nhằm mục đích hạn chế biến dạng giải phẫu vùng khe hở, chống sặc khi trẻ bú... Khi trẻ đạt 4 đến 6 tháng tuổi, với cân nặng tối thiểu là 6kg, trẻ được phẫu thuật tạo hình đóng kín khe hở môi; Khi trẻ đạt 18 đến 24 tháng tuổi, với cân nặng tối thiểu là 10kg, trẻ được phẫu thuật tạo hình đóng kín khe hở  vòm miệng.

Sau phẫu thuật tạo hình đóng kín khe hở  vòm miệng 6 tháng trẻ bắt đầu được dạy phát âm. Từ 8 đến 12 tuổi trẻ sẽ trải qua phẫu thuật ghép xương khe hở cung hàm. Cùng thời gian này trẻ cần được nắn chỉnh răng; Từ 18 tuổi trở lên trẻ được phẫu thuật chỉnh hình xương, thẩm mỹ và phục hồi răng thiếu nếu cần.

Chăm sóc trẻ sau phẫu thuật

Chăm sóc trẻ sau phẫu thuật tạo hình KHM-VM kể từ thời điểm trẻ được ra khỏi phòng hậu phẫu là 24 giờ sau phẫu thuật: Chỉ cho trẻ ăn sữa bằng bơm tiêm nhựa, với đầu dẫn là ống cao su mềm, đưa đầu ống cao su vào ngách miệng hàm dưới bên không có khe hở, rồi bơm sữa vào cho trẻ ăn từ từ; hoặc đổ sữa bằng thìa vào ngách miệng dưới bên không có khe hở; sau 3 tuần có thể cho trẻ bú trở lại theo cách bình thường; cố định tay trẻ bằng máng nhựa mềm tại vị trí khuỷu tay; không cho cầm vật cứng; khi đặt trẻ nằm luôn để trẻ nằm ở tư thế ngửa; khi bế mặt của trẻ luôn hướng ra trước cùng hướng mặt của người bế; không bế vác vai… Mục đích phòng tránh những va đập vào vùng phẫu thuật. Khi ngủ mặt nên đặt nghiêng sang bên để nếu có rỉ máu hay dịch miệng có thể chảy ra ngoài không gây sặc.

BS. CKII. Nguyễn Mạnh Hà

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm