Cập nhật: 26/03/2017 17:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Làng nghề mộc Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên lúc nào cũng sôi động tiếng đục đẽo, cưa xẻ, tiếng còi xe đến nhận hàng và giao hàng. Đã thành thói quen, từ nhiều năm nay, khi gà trống cất tiếng gáy, cũng là lúc tất cả người dân thị trấn Thanh Lãng bắt đầu một ngày mới.

Chỉ mất hơn 30 phút, đi dọc theo Quốc lộ 2B từ thành phố Vĩnh Yên, đến ngã tư Đầm Cả, huyện Bình Xuyên rẽ tay phải và đi thêm gần 10 km nữa là đến khu phố Hồng Hồ, thị trấn Thanh Lãng - trung tâm của làng nghề mộc truyền thống Thanh Lãng. ở đây, hàng ngày có hàng nghìn sản phẩm từ song cửa, trụ cầu thang, tủ đứng, tủ chè, sập được chuyển đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Bác Nguyễn Duy Vinh có thâm niên 30 làm nghề mộc kể: Trước đây, khi xóa bỏ thời kỳ bao cấp, tưởng nghề mộc Thanh Lãng sẽ không còn, song với đội ngũ thủ công lành nghề, chúng tôi tự vận động tìm công ăn việc làm, tìm thị trường để nghề mộc truyền thống của làng vẫn tiếp tục tồn tại. Thời kỳ đó, người dân làm mộc chúng tôi năng động theo sát thị trường, nhận thấy nhu cầu sử dụng các mặt hàng mộc ngày càng lớn nên người dân đã biết tận dụng những tiềm năng, cơ sở vật chất sẵn có, nhiều người tập trung với nhau tạo thành những tổ hợp sản xuất mộc; đồng thời, tích cực đầu tư máy móc, phát triển ngành nghề, tìm kiếm thị trường, cải tiến mẫu mã nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì thế, uy tín của làng mộc Thanh Lãng ngày càng được nâng cao, các mặt hàng mộc Thanh Lãng đã vươn ra chiếm lĩnh thị trường  trong và ngoài tỉnh.

Anh Nguyễn Duy Minh, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ cao cấp Minh Ninh cho biết: Sản phẩm mộc ở Thanh Lãng không những đẹp về kiểu dáng, mẫu mã mà còn đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật, mỹ thuật, ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Anh Minh còn cho biết thêm, mỗi năm, riêng cơ sở sản xuất của gia đình cung cấp ra thị trường trên 500 sản phẩm chủ yếu là trụ cầu thang, tủ tường, giường, tủ chè trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng.

Ngay từ nhỏ, anh Lưu Quốc Hưng, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ cao cấp Hưng Hoa tiếp xúc và chứng kiến bố mẹ làm nghề nên đã sớm tiếp thu kiến thức cơ bản về nghề mộc. Yêu nghề mộc, học xong THPT, anh Hưng không thi đại học như bao bạn bè cùng trang lứa mà quyết định ở nhà cùng bố mẹ thổi hồn cho những phiến gỗ. Anh chăm chỉ học tốt nghề của cha ông rồi nhẫn nại đi làm thuê cho nhiều xưởng mộc lớn trong và ngoài tỉnh để học hỏi thêm về mẫu mã, kỹ thuật cũng như khảo sát thị trường cho đầu ra sản phẩm. Khi trong tay đã có kỹ thuật, tay nghề cao, lại được sự quan tâm của chính quyền địa phương, anh đã mạnh dạn mở xưởng sản xuất. Từ chỗ chuyên sản xuất những mặt hàng đồ gỗ dân dụng đến nay anh đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao và mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh, thành.

Năm 2009, anh thuê 500m2 đất, với giá 100 triệu đồng /5 năm để xây dựng Trung tâm trưng bày sản phẩm. Từ năm 2005 đến nay, cơ sở sản xuất đồ gỗ của gia đình anh cho thu nhập trên 150 triệu đồng /năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Hưng còn tạo việc làm và thu nhập ổn định 10 lao động, với mức lương từ 2-3 triệu đồng /người/tháng.

Chỉ tay về phía chiếc sập trị giá trên 20 triệu đồng, anh Nguyễn Doãn Phương, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ cao cấp Phương Thắm cho biết: “Để làm ra chiếc sập với nhiều loại hoa văn, khảm trai này, 7 thợ chính trong cơ sở của tôi mất gần 1 tháng mới hoàn thành”. Anh Phương cũng cho biết, sinh ra ở làng mộc truyền thống, nhưng không phải ai cũng theo được nghề, bởi làm nghề mộc ngoài cần cù, chịu khó thì điều quan trọng nhất vẫn là sự sáng tạo.

5 năm trở lại đây, mỗi năm cơ sở sản xuất của gia đình anh cho thu lãi trên 100 triệu đồng; đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 10 lao động trẻ, với mức lương bình quân 2, 5 triệu đồng/người/tháng.

Hơn 11 giờ trưa, 10 thợ mộc của cơ sở sản xuất đồ gỗ cao cấp Lợi Hoa, phố Hồng Hồ vẫn đang miệt mài đục, chạm, khắc gỗ, hỏi ra mới biết, cơ sở này đang gấp rút hoàn thiện 45 chiếc tủ chè, tủ giường, sập… để ngày mai kịp giao hàng cho đối tác. Em Dương Văn Quân, 14 tuổi, nhưng đã có thâm niên 4 năm trong nghề cho biết: Làm nghề mộc không khó, chỉ cần yêu nghề và sự cần cù, tỉ mỉ. Em sẽ chăm chỉ làm việc, học việc để có tiền, có tay nghề vữngđến năm 25 tuổi mở cơ sở sản xuất đồ gỗ cho riêng mình

Những năm qua, cùng với nghề thêu ren, nghề trồng nấm rơm thì nghề mộc đã giải quyết việc làm và làm giàu cho hàng trăm hộ gia đình ở Thanh Lãng. Hiện nay, Thanh Lãng có 370 hộ sản xuất, kinh doanh và trên 3.000 lao động làm nghề mộc. Năm 2009, tổng thu từ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đạt 95, 4 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 13, 2 triệu đồng/năm. Toàn thị trấn có 60% hộ khá, giàu; số hộ nghèo giảm còn 5,5%. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh làng nghề phát triển đã kéo theo khối lượng chất thải hàng ngày là rất lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường xung quanh, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước và không khí.

Để thương hiệu mộc Thanh Lãng tiếp tục vươn xa, 5 năm qua, thị trấn Thanh Lãng đã phối hợp với các ngành chức năng mở 26 lớp đào tạo, nâng cao tay nghề chạm khảm, khắc gỗ cho gần 500 thợ trẻ; tổ chức 3 cuộc thi thợ mộc giỏi. Nhằm giảm thiểu tối đa về ô nhiễm môi trường làng nghề, trong những năm qua chính quyền địa phương và người dân đã có nhiều cố gắng trong công tác giữ gìn vệ sinh thôn, xóm và đạt được kết khả quan. Thanh Lãng còn ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch và xây dựng cụm làng nghề với diện tích 8,2 ha. Khi cụm công nghiệp này đi vào hoạt động sẽ có 300 hộ sản xuât quy mô lớn ở trong các làng được ra tập trung sản xuất kinh doanh nhằm bảo vệ môi trường và tạo thêm nhiều việc làm cho nhân dân địa phương. Hiện nay, Thanh Lãng đang tích cực đầu tư, nâng cấp hệ thống cống rãnh, bảo đảm dòng chảy thông suốt. Người dân cũng đã ý thức được việc giữ vệ sinh môi trường, tự giác khơi thông cống rãnh, kênh mương dẫn nước thải, thường xuyên thu dọn khu vực nhà mình, nhất là những gia đình ở mặt đường. Các xóm đều thành lập đội dọn vệ sinh, thường xuyên tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức tự giác, tham gia bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất lớn có phương án xử lý chất thải ngay tại cơ sở, không làm ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Chia tay làng nghề mộc Thanh Lãng trong nắng vàng, trong tôi vẫn còn văng vẳng lời khẳng định của bác Nguyễn Duy Vinh: Lần sau đến với Thanh Lãng sẽ thấy có nhiều điều mới mẻ hơn. 12 giờ trưa, dọc theo tuyến phố Hồng Hồ, trong mỗi nếp nhà, tiếng đục, tiếng máy cưa và cả những tiếng cười giòn của cánh thợ trẻ vẫn vang lên. Họ làm quên ăn, quên nghỉ vì miếng cơm, manh áo, vì lòng yêu nghề, và tình yêu ấy chắp cánh cho thương hiệu mộc Thanh Lãng vươn xa.

 

Sưu tầm

 

Tệp đính kèm