Chó đá ẩn chứa trong mình một đời sống riêng mang đậm dấu ấn tâm linh và tinh thần của người Việt.

Văn hoá tâm linh
Chó đá có từ bao giờ không ai rõ. Truyền miệng trong giới chơi, có những con chó đá đến cả ngàn năm tuổi, song người ta chỉ mục sở thị những “cụ chó” khoảng 700-800 năm tuổi (đời Trần). Nhiều ý kiến cho rằng, chó đá có từ lâu lắm rồi, bắt nguồn từ tín ngưỡng Phật giáo, từ những biến động của lịch sử, chiến tranh, giặc giã, cướp bóc hoành hành...Người Việt xưa tin rằng, nếu để chó đá trước nhà sẽ xua đuổi được ma quỷ xâm nhập, quấy nhiễu gia đình. Thế nên, thời đó, ở hầu khắp mọi miền trong cả nước trước mỗi nhà, cổng làng, cuối làng, hai đầu cầu thường có đặt chó đá.
Có rất nhiều câu chuyện đồn thổi quanh sự linh thiêng của chó đá, rằng nó ngăn chặn được tà ma, biến đổi màu sắc báo hiệu sự may rủi cho chủ...Dù đó chỉ là những quan điểm mê tín, nhưng rất nhiều con chó đá thời ấy được khoét một lỗ bùa vuông hoặc tròn, được chủ nhà mời thầy về cúng nhập tượng. Trong mỗi lỗ bùa có yểm một hoặc vài đổng xu để lấy “thiêng”. Tuy nhiên, người xưa chỉ có thể dùng vôi hoặc đất trộn mật ong để trát kín lỗ bùa nên do những biến động của lịch sử, của thời tiết, thường phần lớn sau một thời gian vết trát lỗ bùa long ra, tạo thành một lỗ hổng trên thân chó đá. Nhiều trường hợp lỗ hổng đó cùng với nét điêu khắc khác hợp thành một cách điệu tăng vẻ hấp dẫn cho con chó đá.
Chó vốn là loài vật thân thiết và gắn bó với con người nên khi tạc chó đá, người chủ không quá kính cẩn, coi trọng và cầu kỳ như tạc rồng, phượng, lân, nghê...Ngoại trừ một số con chó đá đặt ở khu công cộng, đình chùa, cổng làng, nghĩa trang...được đẽo, tạc công phu cầu kỳ thì đa phần chó đá rất đơn giản, hình thù lạ, đôi khi chỉ như dấu hỏi hoặc giống một cái bánh...Người thợ kiếm được đá gì, kích cỡ nào thì làm thế. Hòn đá hình khối gì thì con chó đá cũng có hình dáng đó. Có con là một khối đá, chỉ ngóc cái đầu lên, ngày Tết được đem ra nén dưa, cà, bánh chưng...Mặc dù trông chúng chẳng có gì giống một con chó, nhưng lại đích thị là chó. Bởi lẽ, người điêu khắc gửi gắm vào khối đá cái thần của một con chó, tạo cho nó một đời sông riêng.
Cái đẹp, hấp dẫn của chó đá là sự đơn giản mà phong phú, gắn liền với cuộc sống, với nhiều vùng miền, nhiều thành phần trong xã hội. Vì thế chó đá chứa đựng dấu ấn văn hóa tinh thần của người Việt. Mỗi con chó đá đều có một cuộc sống riêng, gắn liền với chủ. Chó đá của nhà nghèo trông sơ sài, giản dị. Chó đá của nhà giàu thường chi tiết cầu kỳ, trang trí chuông đeo và nhiều hoạ tiết khác. Chính vì thế, bên cạnh quan điểm về thẩm mỹ của người tạc, chó đá ẩn chứa nhiều tư tưởng, quan điểm nhân sinh của người chủ. Cái đặc biệt ở chó đá là nếu chỉ nhìn qua bề ngoài, người ta chưa thể thấy ngay đươc những tính cách đó. Chỉ khi có một quá trình quan sát, suy ngẫm và gắn bó, người chơi mới cảm nhận được cái tinh thần đó.

Một thú chơi
Thời gian đất nước hoà bình, cuộc sống yên ổn, chó đá ít được chú trọng hơn. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc sưu tầm chó đá lại trở thành một thú chơi ưa thích của không ít người thành thị, mà trong đó giới nghệ sĩ chiếm đa số.
Có hai trường phái chơi chó đá. Một trường phái nặng về yếu tố tâm linh. Một trường phái thiên về trưng bày, trang trí làm đẹp. Tuy nhiên, dẫu người sưu tầm có thuộc trường phái nào thì bản thân chó đá đã chứa đựng cả yếu tố tâm linh lẫn thẩm mỹ. Vì thế, chơi chó đá không những chỉ để thưởng ngoạn, làm đẹp nhà cửa mà còn yên tâm hơn về mặt tinh thần. Bởi vậy, gần đây chó đá lại được các nghệ nhân đẽo tạc tượng ở những vùng Ninh Bình, Đà Nẵng, Thanh Hoá... chế tác. Tuy nhiên, phần lớn giới chơi ưa thích sưu tầm những con lâu năm do người kinh doanh chó đá thu thập ở các làng quê. Ở Hà Nội rất nhiều xưởng điêu khắc đá dọc đường Nghi Tàm bày bán chó đá. Giá chó đá mới và cũ chênh lệch nhau không đáng là bao. Một chó đá mới hoặc cũ dao động trong khoảng 200.000-300.000đ/con. Tuy nhiên để phân biệt đực, cái, mới cũ, lâu năm thì chỉ dân sành đổ cổ, sành về chó đá mới phân biệt chó mới, chó lâu năm.
Hiện nay, đa phần người chơi thường trưng bày chó đá trước cửa hoặc kết hợp trang trí sân vườn, cầu thang. Tuy nhiên trong một số trường hợp, chó đá được dùng để trưng bày triển lãm sắp đặt. Tại Phủ Thành Chương có đến gần 600 con chó đá được sắp đặt theo nhiều ý tưởng, trong đó phải kể đến một sân miếu thờ. Hàng chục con chó đá (tượng trưng cho một xã hội): con trông ngơ ngác, con kính cẩn, con thì lo lắng, con lại sung sướng, no nê... cùng hướng về cây để bát hương trước miếu thờ (tượng trưng cho Ngọc Hoàng) hay như trưng bày “Bữa tiệc” của hoạ sĩ Nguyễn Minh Thành: bầy chó đá ngồi quanh những mâm cỗ bỏng ngô. Khi đó, chó đá không còn là chó đá bởi nó đã chứa đựng cái tinh thần của con người, cho ta liên tưởng đến một xã hội, đến cuộc sống thường ngày, mang đến cho con người những rung cảm về thẩm mỹ, về sự đói khổ, nghèo hèn, no đủ... Và, có thể một ngày nào đó, người ta sẽ viết sách nghiên cứu về chó đá, bởi lẽ trong nó ẩn chứa những giá trị văn hoá tâm linh và thẩm mỹ cả ngàn năm của người Việt.
Những người đặc biệt ưa thích chó đá và có những bộ sưu tầm hàng trăm con phải kể đến hoạ sĩ Thành Chương, Lý Thiết Cương, Đào Anh Khánh, Quách Đông Phương, Đào Hải Phong, nhạc sĩ Dương Thụ, đạo diễn Trần Anh Hùng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp... Một trong những người khởi đẩu trào lưu sưu tầm và khá say mê chó đá là hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức (em hoạ sĩ Thành Chương). Anh có thể say sưa ngồi nói cả ngày về chó đá và hấp dẫn đến nỗi, sau khi nghe những câu chuyện của anh, rất nhiều người bắt đầu thú sưu tầm chó đá.
Sưu tầm