Cập nhật: 16/04/2018 13:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nằm trên đường Hoàng Sa - cung đường biển bình yên của thành phố Đà Nẵng, Nhà Trưng bày Hoàng Sa là cột mốc chủ quyền tiếp biến, kết nối, gắn liền quần đảo Hoàng Sa với Đà Nẵng, với mỗi trái tim người dân Việt Nam.

Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Đóng dấu chủ quyền Hoàng Sa

Sau hai năm khởi công xây dựng, cuối tháng 3, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã chính thức mở cửa đón người dân, du khách tham quan. Công trình được thiết kế, xây dựng trên phương án kiến trúc với chủ đề “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” theo đồ án của nhóm tác giả Fuminori Minakami (Nhật Bản), Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 43 tỷ đồng, thiết kế ba tầng nổi.

Tại đây được trưng bày gần 300 tư liệu, hiện vật theo năm chủ đề gồm vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên; Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam trước thời Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam vào thời Nguyễn; Hoàng Sa trong thời Pháp thuộc; Hoàng Sa từ năm 1975 đến nay. Mỗi chủ đề gồm có nhiều mục, tất cả đều có giá trị khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt, anh Trần Thắng, Việt Kiều ở Mỹ đã trao tặng 150 bản đồ do Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới xuất bản, đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, tấm bản đồ Partie de la Cochinchine của Phillippe Vandermaelen xét trên mọi khía cạnh đều có thể được coi là một tài liệu vô giá, là bằng chứng hùng hồn, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những trái tim luôn thắp lửa

Chia sẻ niềm tự hạnh phúc là người đầu tiên đưa ra ý tưởng trình các cấp lãnh đạo thành phố xét duyệt về xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ, Nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, không giấu được xúc động. Theo ông Ngữ, lịch sử thì cần ghi lại chân thực nhất. Đó là quá khứ không thể chối bỏ được. Khi mọi người đã hiểu câu chuyện về Hoàng Sa, thì quần đảo thiêng liêng sẽ gần hơn với đất liền. “Cột mốc chủ quyền xuyên suốt cùng ngọn lửa vĩnh cửu, thắp sáng nhiệt tình, kêu gọi, đấu tranh để đưa Hoàng Sa về Việt Nam. Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn nhắn nhủ”, ông Ngữ cho hay.

Đến thăm Nhà Trưng bày Hoàng Sa, chúng tôi gặp nhiều học sinh Trường THCS Hoàng Sa Đà Nẵng đang tìm hiểu Hoàng Sa từ các hiện vật. Nhiều em xúc động khi nhìn thấy hình ảnh những vật dụng của người dân đảo Hoàng Sa đã từng sử dụng. Em Hoàng Văn Bình, Trường THCS Hoàng Sa chia sẻ, bố em là bộ đội, hằng ngày mẹ vẫn kể em nghe những câu chuyện về biển, đảo Việt Nam. Khi được học trong ngôi trường mang tên đảo Hoàng Sa, em càng tự hào hơn về truyền thống dân tộc, thêm yêu và tự hào về biển, đảo quê hương.

Học sinh Trường trung học cơ sở Hoàng Sa tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng cho biết, theo kế hoạch, tàu cá ĐNA 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) bị Trung Quốc đâm chìm ngoài vùng biển Hoàng Sa vào năm 2014 sẽ được đưa về đặt trước nhà trưng bày để phục vụ người dân, du khách. Nhắc nhở về trách nhiệm của những thế hệ hôm nay và mai sau, về bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng với các điểm đến khác tại Đà Nẵng, Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ là điểm đến kết nối của thế hệ trẻ Đà Nẵng cũng như người dân, du khách. Huyện đảo Hoàng Sa sẽ tiếp tục sưu tầm hiện vật, tăng cường tuyên truyền, quảng bá để thu hút đông đảo du khách đến với Nhà Trưng bày Hoàng Sa - khẳng định một lần nữa với bạn bè trong nước và quốc tế Hoàng Sa là của Việt Nam.

Theo BÀI & ẢNH: ANH ĐÀO/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm