Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA), Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) – hai đơn vị phối hợp tổ chức Hội chợ Đặc sản vùng miền và Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) cho biết, Hội chợ năm nay có nhiều điểm mới và đặc biệt so với các năm trước.
Sản phẩm mây tre đan của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, làng Phú Vinh sẽ giới thiệu tại Hội chợ.
Đầu tư công phu
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên hai sự kiện này kết hợp với nhau tổ chức chung một thời gian, một địa điểm, nhằm mục đích quảng bá sản vật vùng miền, kết nối giao thương giữa các đơn vị sản xuất với các đơn vị cung cấp, phân phối, và quan trọng hơn cả, để nêu bật tiềm năng giàu có của các làng nghề thủ công ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. “Các làng nghề ở Hà Nội đều có tiềm năng rất mạnh: sự khéo léo, chi tiết của người thợ thủ công, số lượng làng nghề… Không một địa phương nào có tới hơn 1.300 làng nghề như Hà Nội. Nhiều làng nghề ở Hà Nội hiện đang chế tác các sản phẩm cho các hãng thời trang lớn như Hermes, Bvlgari… Vấn đề ở chỗ chúng ta khai thác như thế nào để làm bật lên tiềm năng của họ”.
Một số sản phẩm lược sừng của làng sừng Thụy Ứng.
Năm nay, Hội chợ có quy mô khá lớn với khoảng 300 gian hàng, của 200 doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp từ sáu quốc gia trên thế giới. Cùng với các đặc sản vùng miền, sẽ có khoảng 100 gian hàng của hơn 20 làng nghề tiêu biểu của Hà Nội trưng bày xen kẽ, tạo nên bức tranh sinh động về tiềm năng của các làng nghề…
Lần đầu tiên tổ chức chung, cho nên các gian hàng của các làng nghề cũng như của các địa phương cũng được đầu tư rất công phu và đẹp mắt. Làng mây tre đan Phú Vinh (Ứng Hòa) dựng một công trình sắp đặt mang tên Ngôi nhà Đám mây, được kết bằng các giỏ tre, tấm đan. Khu Làng nghề đan lát gồm các làng Ninh Sở, Phú Túc, Chuông… còn làm khu trưng bày của mình nổi bật với các mô hình tôm, cua, cá… và mô hình chiếc nón làm từ 600 nón lá bằng mây, cùng với cây nấm đan cao 3m. Khu gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan cũng xây dựng một giàn đèn gồm 100 chiếc đèn gốm từ niêu đất. Làng nghề sừng Thụy Ứng giới thiệu ngôi nhà tre cao 5m để trưng bày sản phẩm.
Không chỉ trưng bày, giới thiệu sản phẩm, các gian hàng còn có nhiều hoạt động thu hút khách tham quan, như trình diễn một công đoạn của nghề gốm (vuốt nặn đất), làm lược bí (loại lược làm khó nhất), làm túi xách kết hợp với phụ kiện sừng...
Tại hội chợ năm nay, nhiều địa phương cũng “mạnh tay” đầu tư một khu trưng bày riêng của địa phương mình. Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh dựng những khu trưng bày riêng, giới thiệu các sản phẩm đặc sản thế mạnh của địa phương. Hà Giang đẩy mạnh quảng bá cam Bắc Quang, với mô hình trái cam cao tới 6m.
Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam cho biết, tham vọng của Hà Nội là trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về sản phẩm thủ công mỹ nghệ “Mỗi làng một sản phẩm”. Năm nay, rất nhiều đơn vị đăng ký tham gia nhưng do mặt bằng quảng trường Vincom Royal city có hạn nên chỉ đủ sức chứa khoảng 400 gian hàng của cả hai sự kiện.
Kết nối giao thương
Không chỉ lần đầu tiên kết hợp hai sự kiện, năm 2018 còn là lần đầu tiên Hội chợ kết hợp với Hội nghị “Giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2018”. Hội nghị nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường, bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Hội nghị còn nhằm triển khai các chương trình ợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nwóc về thương mại, nông nghiệp, tổng hợp các dữ liệu về tình hình hợp tác, cung ứng sản phẩm của các địa phương với Hà Nội. Trên cơ sở đó để định hướng các vùng sản xuất tập trugn cung cấp hàng hóa giữa các địa phương với Hà Nội để Hà Nội trở thành trung tâm tiêu thụ và kết nối sản phẩm xuất khẩu cho các thị trường.
Bình hoa sơn mài của làng nghề sơn mài Hạ Thái.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, đây cũng là hoạt động nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đây cũng là lần đầu tiên Hội nghị kết nối giao thương được chia thành các khu vực riêng rẽ, gồm khu hội nghị, khu trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm, khu gặp gỡ, trao đổi, ký kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cung ứng, phân phối… Các doanh nghiệp vừa có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với nhau, vừa trao đổi, nắm bắt các vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước do nhiều cơ quan quản lý, sở, ban ngành tham gia hội nghị cung cấp…
Bà Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, sau sáu năm tổ chức, cho đến nay nhiều đơn vị phân phối lớn trong nước như Big C, Aeon… đã bày tỏ mong muốn HPA đồng hành tổ chức những sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản, nông sản sạch tương tự để góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, hỗ trợ và động viên người sản xuất, và đặc biệt để nâng cao giá trị hàng nông sản sạch và đặc sản, thúc đẩy xuất khẩu… Điều đó chứng tỏ uy tín và hiệu quả thực sự của Hội chợ Đặc sản vùng miền và OVOP.
TUYẾT LOAN
Theo nhandan.com.vn