Cập nhật: 24/02/2019 10:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tiêm phòng vaccine sởi dịch vụ vẫn còn nhiều bất cập và cần phải được thống nhất theo quy định của Bộ Y tế để giảm tỉ lệ lây lan bệnh sởi.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp tăng độ bao phủ tỉ lệ tiêm vaccine sởi trong cộng đồng nhưng mới chỉ có 76,2% trẻ em được tiêm phòng đủ 2 mũi sởi, trong khi đó yêu cầu tỷ lệ này phải đạt từ 90% trở lên. So với trước đây, tỷ lệ tiêm phòng vaccine sởi ở trẻ em chỉ đạt từ 40-50% thì con số này đã tăng lên nhiều. Trong đó, phải kể đến vai trò của tiêm chủng dịch vụ, bởi ngày càng có nhiều người dân lựa chọn sử dụng tiêm chủng vaccine sởi dịch vụ.

Trẻ nhập viện vì sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM

Dù vậy, hiện vẫn có một số bất cập trong việc tiêm phòng vaccine sởi dịch vụ. Đó là, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ thường tư vấn phụ huynh đợi đến 12 tháng tuổi mới cho con tiêm phòng mũi tổng hợp 3 trong 1 gồm sởi– quai bị- rubella (gọi tắt là MMR), thay vì tiêm mũi sởi đơn ở thời điểm 9 tháng. Như vậy, có một số lượng lớn trẻ qua 9 tháng tuổi mà vẫn chưa được tiêm ngừa sởi, điều này sẽ khiến cho nguy cơ trẻ mắc sởi và lây lan sởi trong cộng đồng cao hơn.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM Nguyễn Trí Dũng, đây chính là lỗ hổng tiêm chủng khiến cho bệnh sởi bùng phát và lây lan mạnh trong thời gian qua. Bởi có đến 30% trẻ dưới 12 tháng tuổi bị mắc sởi hoàn toàn chưa được tiêm phòng vaccine sởi.

Trước tình trạng này, Sở Y tế TP.HCM đã gửi công văn yêu cầu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cần thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng, tư vấn đầy đủ, chính xác cho người dân về thời điểm tiêm phòng bệnh sởi. Về việc nhiều người e ngại không dám tiêm vaccine cho con.

“Nếu không sử dụng vaccine thì việc ngăn ngừa bệnh sởi là rất khó, chỉ có vaccine mới ngăn ngừa được. Vaccine sởi ngoài việc hiệu quả thì rất an toàn, hầu như không có biến chứng sau tiêm, vì vậy phụ huynh không nên e ngại chuyện này”- ông Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo./.

Theo Kim Dung/VOV.VN

Tệp đính kèm