Hiện nay, có trường ĐH xét tuyển 50% thí sinh bằng học bạ cấp THPT. Tuy nhiên, với xét tuyển bằng học bạ, có ý kiến lo ngại tiêu cực vẫn có thể xảy...
Trong khi các trường đại học (ĐH) chưa công bố điểm chuẩn tuyển sinh thì hàng nghìn thí sinh đã chắc suất vào ĐH theo con đường xét tuyển bằng học bạ cấp THPT.
Nếu như những năm trước, xét tuyển học bạ chỉ dành cho các trường tốp dưới thì nay, cả những ĐH lớn, tốp đầu cũng xét tuyển theo hình thức này. Đơn cử như Học viện Tài chính nhiều năm liền được xếp loại là cơ sở đào tạo uy tín hàng đầu của cả nước thì năm nay cũng xét tuyển bằng học bạ 2.100 thí sinh/4.200 chỉ tiêu (chiếm tỷ lệ 50%).
Cán bộ trường ĐH tư vấn chọn ngành nghề cho thí sinh.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, ngoài việc nhiều trường ĐH nào xét tuyển bằng học để nắm chắc thí sinh học tại trường mình thì có trường không còn sức hấp dẫn hoặc sức hấp dẫn về đào tạo đang giảm dần đối với xã hội.
Xét tuyển bằng học bạ toàn học sinh giỏi
Bác bỏ những hoài nghi trên, ông Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Quản lý Đào tạo, Học viện Tài chính cho biết, năm 2017, nhà trường có 44.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo điểm thi THPT Quốc gia. Năm 2018, trường có 35.0000 nguyện vọng và năm 2019 có gần 30.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Những con số trên cho thấy, thí sinh rất mong muốn được xét tuyển vào Học viện Tài chính. Sức hấp dẫn về đào tạo của nhà trường vẫn chiếm được sự quan tâm của xã hội, phụ huynh và học sinh.
Năm nay, Học viện Tài chính có tổng số là 4.200 chỉ tiêu và xét tuyển bằng học bạ là 2.100 em. Theo đó, nhà trường ưu tiên xét tuyển những học sinh trường THPT chuyên có kết quả học tập cả 3 năm đều đạt học sinh giỏi, học sinh giỏi đạt giải quốc gia, quốc tế; học sinh đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Việc Học viện Tài chính xét tuyển thí sinh có học bạ cả 3 năm đạt loại Giỏi cho thấy, đây là những thí sinh có ý thức tốt và bền bỉ trong học tập; có năng lực toàn diện ở tất cả các môn học, chứ không học “lệch” một số môn.
Ông Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Quản lý Đào tạo, Học viện Tài chính.
Qua khảo sát trình độ học sinh giỏi cấp THPT trong 4 năm nay, Học viện Tài chính nhận thấy, trình độ của các em qua các năm không có nhiều biến động. Vì vậy, việc xét tuyển bằng học bạ đối với những học sinh này là hoàn toàn có thể tin tưởng được.
Theo ông Nguyễn Đào Tùng, Học viện Tài chính tuyển sinh viên đều đặt ra tiêu chí chọn lựa học sinh ngoài sự yêu thích các ngành học ở trường thì cần có sự chăm chỉ, bền bỉ, kỹ năng ngoại ngữ tốt, có kiến thức toàn diện. Những thí sinh này có thể đáp ứng được yêu cầu xã hội và cả hội nhập với lao động của các nước trong khu vực và thế giới.
Phương thức tuyển sinh bằng học bạ đối với học sinh giỏi trường chuyên, học sinh giỏi đạt giải quốc gia, quốc tế có chứng chỉ quốc tế cũng phù hợp với xu thế giao quyền Tự chủ cho các trường ĐH và cũng góp phần giảm áp lực thi cử với học sinh.
Ông Nguyễn Đào Tùng cũng khẳng định, việc tuyển sinh chỉ là một khâu trong quá trình đào tạo. Điều quan trọng nhất là thí sinh phải học được trong suốt thời gian ngồi trên giảng đường. Nếu sinh viên không học tập nghiêm túc, có kỷ luật thì sẽ không thể vượt qua được các học phần và đỗ tốt nghiệp đúng thời gian.
Chất lượng đào tạo, kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp mới là quan trọng
Năm nay, nhiều trường ĐH tuyển sinh thí sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ như lấy học sinh đạt học sinh giỏi ở các trường THPT chuyên. Ngoài ra, có trường còn xét kết quả điểm số các môn của học sinh ở cấp THPT thông qua học bạ.
Tuy nhiên, vẫn có trường e dè khi xét tuyển học sinh theo phương thức trên vì vẫn còn lo ngại việc chấm điểm ở cấp THPT. Ngay ở tuyển sinh đầu các cấp phổ thông, hễ có hình thức xét học bạ thì những tiêu cực đã rất dễ xảy, phụ huynh có thể bỏ tiền “lo lót” làm đẹp học bạ cho con.
Ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Theo ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách Khoa Hà Nội, để các trường ĐH tin tưởng xét tuyển bằng học bạ thì phải được thực hiện đồng bộ từ cấp THCS đến THPT và phải được kiểm soát chặt chẽ, kỹ lưỡng từ hội đồng trường, Sở GD-ĐT các địa phương. Mặt khác, cần có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực trong chấm điểm.
Ngoài ra, theo ông Trung Kiên, ở trên thế giới, nhiều trường ĐH “mở” nguồn tuyển sinh “đầu vào” và siết chặt “đầu ra” nên tỷ lệ đào thải sinh viên không học tập nghiêm túc, hiệu quả rất nhiều.
Từ mô hình đào tạo ĐH ở các nước trên thế giới, nếu các trường ĐH ở Việt Nam áp dụng xét tuyển bằng học bạ thì cũng nên nghĩ tới trong quá trình đào tạo có sự đào thải những sinh viên học tập không hiệu quả. Nếu có sự sàng lọc kỹ lưỡng thì nguồn nhân lực “đầu ra” mới đảm bảo chất lượng. Bởi uy tín của trường ĐH phụ thuộc rất lớn vào việc sinh viên tốt nghiệp có làm được việc hay không.
Đề cập đến chất lượng đào tạo, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) khẳng định, việc nâng cao chất lượng “đầu vào” sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng dạy và học, đến chất lượng “đầu ra”. Từ đó có tác động tích cực trong việc tăng cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung. Qua đó tạo sức cạnh tranh cho lao động trình độ cao của Việt Nam khi tham gia thị trường lao động trong khu vực và thế giới.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã cho phép nhiều trường ĐH được tự chủ tuyển sinh. Vì vậy, có trường tuyển sinh bằng kết quả thi THPT Quốc gia và cũng có trường xét tuyển bằng học bạ hay hình thức khác. Tuy nhiên, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các trường cũng không được đánh đổi chất lượng đào tạo để lấy số lượng nguồn tuyển.
Bộ sẽ có sự rà soát kỹ lưỡng việc tuyển sinh của các trường ĐH. Nếu trường nào vi phạm quy chế sẽ bị xử lý nghiêm./.
Theo Bích Lan/VOV.VN