Thủ tướng Australia khẳng định quyết tâm hợp tác với “Bộ Tứ”, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng các nước "Bộ Tứ" lần đầu tiên họp tại New York, Mỹ. (Nguồn: Twitter)
Một tuần sau cuộc gặp cấp bộ trưởng lần đầu tiên của “Bộ Tứ”, gồm Australia, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, ở New York, Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 3/10 đã mô tả “Bộ Tứ” là “diễn đàn quan trọng đối với Australia và khu vực”, đồng thời “tăng cường vai trò của ASEAN và cấu trúc do ASEAN lãnh đạo”.
Mặc dù không đề cập tới Trung Quốc trong mối liên hệ với “Bộ Tứ”, song Thủ tướng Morrison cho rằng: “Đây là diễn đàn quan trọng nhằm trao đổi thông tin về những thách thức mà khu vực đang phải đối mặt, bao gồm hợp tác thực tiễn trong các vấn đề hàng hải, khủng bố và an ninh mạng”.
“Bộ Tứ” được thành lập 10 năm trước dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W Bush và được hồi sinh từ năm 2017. Tầm ảnh hưởng về kinh tế, sức mạnh về quân sự và dấu ấn về ngoại giao ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã khiến các nước thành viên của “Bộ Tứ” lo ngại.
Việc Bộ trưởng Ngoại giao của 4 nước “Bộ Tứ” có cuộc gặp đầu tiên bên lề kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuần trước là sự nâng cấp đáng kể về cấp độ đối thoại so với các cuộc họp cấp vụ trưởng trước đó. Điều này cho thấy khuôn khổ hợp tác không chính thức trước đây của “Bộ Tứ” đã được củng cố để tạo thành một mặt trận thống nhất trong việc ứng phó với các vấn đề an ninh trong khu vực.
Australia và đồng minh thân cận Mỹ đều lo ngại rằng Trung Quốc đang tìm cách thiết lập một căn cứ quân sự tại Nam Thái Bình Dương nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự của Bắc Kinh về phía Mỹ. Australia và Mỹ cũng đang nỗ lực để xây dựng một mô hình “đối trọng” với cơ chế rót vốn của chính phủ Trung Quốc nhằm hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trung Quốc đã thể hiện rõ lập trường phản đối “chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương” của “Bộ Tứ”. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 3/2018 từng cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc “chiến tranh Lạnh mới”.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã chuyển từ chính sách “xoay trục” sang chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Xét dưới góc độ địa chiến lược, điều này cho thấy Washington thực sự coi trọng khu vực này.
Trung Quốc đã thể hiện rõ ý đồ tạo một lỗ hổng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương để mở đường từ Biển Đông xuyên sâu xuống khu vực phía Tây Thái Bình Dương, ngay gần vùng lãnh thổ Hawaii của Mỹ. Việc Trung Quốc lôi kéo Solomon và Kiribati, thuyết phục các quốc đảo Thái Bình Dương này từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang Bắc Kinh, được cho là nhằm đạt được mục tiêu trên.
Kiribati chỉ cách Hawai 2.900 km và được Trung Quốc sử dụng làm nơi đặt trạm do thám tên lửa. Sau khi Solomon và Kiribati cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, quốc đảo Tuvalu có thể sẽ nối gót và chuyển sang hợp tác với Bắc Kinh.
Mỹ - Australia đối phó ảnh hưởng Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp đón Thủ tướng Australia Scott Morrison tại Nhà Trắng (Ảnh: AFP)
An ninh của Australia đang bị thách thức nghiêm trọng khi nước này nằm gần các quốc đảo Thái Bình Dương - nơi Trung Quốc được cho là sẽ xây dựng các căn cứ quân sự. Nhiều người lo ngại về hiệu ứng domino khi một vòng cung các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Trung Quốc. Kịch bản này nếu xảy ra sẽ cắt đứt tuyến vận tải từ Australia tới Mỹ cũng như tới các khu vực khác, đồng thời tạo ra rào cản nếu quân đội Mỹ muốn tới trợ giúp Australia.
Cả Mỹ và Australia đều đang tăng cường nỗ lực để giải quyết nhu cầu của các nước trong khu vực. Chỉ sau khi đối mặt với nguy cơ Solomon dừng quan hệ ngoại giao với Đài Loan, Mỹ mới thảo luận về việc mở lại đại sứ quán tại quốc đảo này. Trước đó, đại sứ quán Mỹ tại Papua New Guinea kiêm nhiệm luôn cả Solomon và Vanuatu.
Theo Bill Sharp, giảng viên về chính trị Đông Á tại Đại học Hawaii Thái Bình Dương, Đại học Chaminade và Đại học Hawaii Manoa, sự can thiệp muộn màng của Mỹ và Australia nhằm ngăn chặn các quốc đảo Thái Bình Dương chuyển từ Đài Loan sang Bắc Kinh là hành động “đạo đức giả”. Trước đây, chính Mỹ và Australia cũng từng cắt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc.
Ngoài ra, việc Mỹ và Australia không thể giải quyết “bài toán” biến đổi khí hậu, vấn đề cấp bách hàng đầu với các nước Nam Thái Bình Dương, đã góp phần dẫn tới quyết định “xoay trục” sang Trung Quốc của Solomon và Kiribati.
Từ năm 2011-2017, Mỹ chỉ đóng góp 98 triệu USD cho khu vực Nam Thái Bình Dương. Trong khi đó, Australia đề xuất gói hỗ trợ tài chính lớn với các nước trong khu vực với số tiền lên tới 6,5 tỷ USD, tuy nhiên đây là kế hoạch dài hạn.
Để thuyết phục Solomon cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, Trung Quốc được cho là đề xuất khoản tiền 500 triệu USD dưới hình thức các khoản vay và viện trợ. Phần lớn số tiền này được đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng do Tập đoàn Xây dựng Kỹ thuật Dân sự Trung Quốc, thực hiện. Tuy vậy, nội bộ Solomon hiện vẫn còn chia rẽ, khi có tới 80% người dân và 50% thành viên quốc hội phản đổi chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh.
Không chỉ khu vực Nam Thái Bình Dương, nhiều quốc gia tại Caribe cũng đang rơi vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Là những quốc đảo thường xuyên bị tàn phá bởi những cơn bão lớn, các nước Caribe đã mở ra cho Trung Quốc cơ hội để mở rộng tầm ảnh hưởng. Haiti có thể là một trong những mục tiêu tiếp theo của Bắc Kinh khi nước này vẫn đang sống trong cảnh nghèo đói và khao khát các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.
Với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Caribe, Haiti có thể được “sử dụng” như một mắt xích để góp phần tạo thành bức tường hình cánh cung kéo dài từ Cuba tới rìa phía đông của Cộng hòa Dominica, nhằm bảo vệ con đường tiếp cận kênh đào Panama và kênh đào mà Trung Quốc đang tính xây dựng xuyên qua Nicaragua.
Theo Thành Đạt/dantri.com.vn