Theo bản tin Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19, Việt Nam đã không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 trong sáng 18/2.
Lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ khai báo thông tin y tế. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)
Theo bản tin Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19, Việt Nam đã không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 trong sáng 18/2.
Như vậy, tính đến 6 giờ sáng 18/2, Việt Nam có tổng cộng 1.430 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 737 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 144.071 ca, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện (577 ca), cách ly tập trung tại cơ sở khác (14.325 ca) và cách ly tại nhà, nơi lưu trú (129.169 ca).
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 là 46 ca, lần 2 (33 ca) và lần 3 (25 ca).
Hiện dịch COVID-19 về cơ bản đã được kiểm soát tại 12/13 tỉnh, thành phố (trừ tỉnh Hải Dương dịch vẫn đang diễn biến phức tạp), các ổ dịch trong cộng đồng đang có xu hướng giảm ca mắc trong ngày.
Các ổ dịch tại các thành phố lớn như tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã được nhanh chóng kiểm soát với các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn luôn thường trực do đã có các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, đặc biệt khi người dân từ các địa phương quay trở lại làm việc.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, hiện BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất. BN1536 tuổi cao, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm nay.
Về công tác điều trị, hiện các cơ sở điều trị vẫn tiếp tục thực hiện tốt. Các y bác sĩ luôn nỗ lực, cố gắng để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết, Bộ đã và đang tích cực làm việc với các đối tác thực hiện nhập khẩu vắc xin để sớm đưa vắc xin phòng bệnh COVID-19 về Việt Nam phục vụ người dân. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước. Xã hội hóa và huy động các nguồn lực để phục vụ việc cung cấp vắc xin vắc xin phòng bệnh COVID-19 một cách nhanh nhất, rộng nhất./.
Theo(TTXVN/Vietnam+) - Ngày 18/2/2021
https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-khong-co-them-ca-mac-moi-covid19-trong-sang-182/695409.vn