Nhóm hiện vật đồ đá phát hiện được trong hố khai quật khoảng hơn 2.000 tiêu bản gồm mảnh tước, mảnh tách, công cụ mảnh, công cụ hạch đá, thổ hoàng...nhiều nét tương đồng với giai đoạn tiền Đông Sơn.
Đại biểu phân tích, thảo luận về các di vật khai quật khảo cổ. (Ảnh: TTXVN phát)
Phát hiện 4 di tích mộ táng và hơn 2.000 tiêu bản trong lần khai quật thứ nhất tại hang Thẩm Tâu. Đây là một trong những thông tin quan trọng được Viện Khảo cổ học thông tin trong cuộc họp “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật lần thứ nhất hang Thẩm Tâu, xã Pa Ham, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên năm 2022” ngày 31/3 do Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức.
Báo cáo tại cuộc họp, Tiến sỹ Phạm Thanh Sơn, Viện Khảo cổ học, Chủ trì đợt khai quật hang Thẩm Tâu lần thứ nhất năm 2022 cho biết, kết quả khai quật đã thu được một số lượng hiện vật đa dạng về loại hình di vật.
Nhóm hiện vật đồ đá phát hiện được trong hố khai quật khoảng hơn 2.000 tiêu bản gồm các loại hình như mảnh tước, mảnh tách, công cụ mảnh, công cụ hạch đá, thổ hoàng, rìu mài lưỡi và một số hiện vật không xác định.
Loại hình đồ gốm phát hiện hoàn toàn ở tầng văn hóa I với số lượng khoảng hơn 130 mảnh; bao gồm mảnh miệng, mảnh thân, chân đế, đáy và mảnh thân được trang trí họa tiết, hoa văn. Ngoài ra, còn phát hiện 4 di tích mộ táng, cùng với các di cốt động vật gồm các loài khỉ, vượn, sóc, dơi...
Các di vật đào thám sát năm 2021 và khai quật năm 2022 khẳng định sự có mặt của hai lớp văn hóa tại hang Thẩm Tâu là khách quan. Lớp văn hóa sớm là sự xuất hiện của các công cụ ghè đẽo một mặt đặc trưng cho kỹ nghệ chế tác đá Hòa Bình.
Lớp văn hóa muộn là sự xuất hiện của cư dân biết chế tác và sử dụng đồ gốm với phong cách trang trí chia sẻ nhiều nét tương đồng với giai đoạn tiền Đông Sơn ở khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Di vật khai quật khảo cổ lần thứ nhất năm 2022 tại khu vực cửa hang và lòng hang Thẩm Tâu (xã Pa Ham, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) trưng bày tại cuộc họp. (Ảnh: TTXVN phát)
Niên đại dự đoán của lớp văn hóa sớm có thể nằm trong khoảng 7.000 năm tới 9.000 năm. Niên đại của lớp văn hóa muộn lớp trên có thể tồn tại khoảng 3.000 năm tới 3.500 năm.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Phạm Thanh Sơn, Viện Khảo cổ học, để có các nhận định chính xác và khách quan về sự thay đổi phương thức mai táng của cư dân lớp văn hóa sớm với cư dân lớp văn hóa muộn cũng như tìm hiểu chi tiết sự thay đổi về hành vi gắn với quá trình thích ứng của cư dân cổ thì các kết quả phân tích niên đại tuyệt đối sẽ giúp các nhà khảo cổ có câu trả lời chính xác hơn.
Đồng thời, đây cũng là cơ sở để lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận xếp hạng di tích và bổ sung tư liệu, tài liệu, hiện vật cho Ban quản lý di tích, Bảo tàng tỉnh Điện Biên lưu giữ, trưng bày và phát huy giá trị, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan như: hoàn thiện hồ sơ khoa học khai quật khảo cổ, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích, công tác bảo quản hiện vật, bảo tồn di chỉ...
Trước đó, theo Quyết định số 279/QĐ-BVHTTDL ngày 14/2/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc khai quật khảo cổ đã cho phép Ban Quản lý di tích (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên) phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ trên diện tích 20m2, phạm vi thuộc khu vực cửa hang và lòng hang Thẩm Tâu (xã Pa Ham, huyện Mường Chà) từ ngày 15/2/2022 đến ngày 30/3/2022./.
Theo Nguyễn Như-Hải An (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/dien-bien-phat-hien-4-mo-tang-tai-ho-khai-quat-hang-tham-tau/781517.vnp