Quan chức Ukraine thông báo Nga đang gây sức ép lên Lực lượng Vũ trang Ukraine trong suốt 1.500km tiền tuyến. Liệu điều này có khiến Mỹ sẵn sàng đáp ứng tất cả yêu cầu vũ khí của Kiev để đẩy lùi các lực lượng của Moscow?
1.500km tiền tuyến đứng trước sức ép từ Nga và yêu cầu của Ukraine
Ngày 16/12, Nga đã tiến hành một trong những cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Các quan chức Ukraine cho biết khoảng một nửa nước này không có điện, trong khi việc cung cấp năng lượng ở Kharkiv bị gián đoạn hoàn toàn.
Xe tăng M1 Abrams là một trong những phương tiện Ukraine yêu cầu nhưng Mỹ vẫn từ chối cung cấp. Ảnh: Creative Commons
Một số quan chức cấp cao Ukraine cảnh báo ngày 15/12 rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn. Ukraine có lẽ chưa chuẩn bị cho cuộc tấn công này và đã yêu cầu phương Tây hỗ trợ các loại vũ khí - một yêu cầu mà nếu đáp ứng có thể đặt an ninh quốc gia Mỹ vào rủi ro không thể chấp nhận được.
The Economist ngày 15/12 đã đăng tải một loạt 3 bài báo đánh giá cuộc xung đột Nga - Ukraine từ góc nhìn của 3 quan chức Ukraine gồm: Tổng thống Volodymyr Zelensky, Chỉ huy Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny và Chỉ huy Lực lượng mặt đất Ukraine Oleskandr Syrsky. Cùng ngày, trên The Guardian, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleskii Reznikov cũng đã nhắc lại cảnh báo trên.
Những đánh giá này lần đầu tiên được đăng tải công khai đã cho thấy vị thế của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga nguy hiểm hơn so với nhận thức thường thấy của các nước phương Tây. Ukraine cũng lặp lại quan điểm rằng, để giành chiến thắng, nước này phải nhận được sự hỗ trợ tài chính và quân sự từ Mỹ và đồng minh.
Điều này có thể đặt Mỹ vào vị thế bấp bênh bởi Washington phải cân bằng giữa mức độ những yêu cầu mà Ukraine đưa ra với những tác động của chúng đến an ninh quốc gia của mình. Trên thực tế, những lợi ích của Ukraine không đồng nghĩa với các lợi ích của Mỹ. Điểm mấu chốt ở đây là Mỹ có thể giúp Ukraine tự vệ nhưng Washington phải kiềm chế trong việc cung cấp cho Kiev những vũ khí có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Ông Zaluzhny nhận định, Nga đang gây sức ép lên Lực lượng Vũ trang Ukraine trong suốt 1.500km tiền tuyến. Tướng Ukraine chỉ ra rằng việc đảm bảo các ranh giới và không để mất thêm lãnh thổ có vai trò quan trọng bởi việc giải phóng sẽ khó khăn hơn từ 10 - 15 lần so với việc cố gắng không đầu hàng. Phía sau phòng tuyến, ông Zaluzhny cho rằng Nga đang huấn luyện cho các lực lượng mới để thực hiện cuộc tấn công vào mùa đông.
"Chúng tôi ước tính lực lượng dự bị của họ có khoảng 1,2 - 1,5 triệu người", nhưng họ đang chuẩn bị "tập trung khoảng 200.000 binh lính mới" để tấn công vào các phòng tuyến hiện đang bị kéo căng của Ukraine.
Để chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công của Nga, Tướng Ukraine cho biết nước này đang cố gắng hạn chế số lượng binh lính trên tiền tuyến để chuẩn bị lực lượng phòng thủ nhằm đảm bảo quyền kiểm soát các khu vực nằm xa tiền tuyến. Ông cũng tiết lộ số lượng vũ khí Ukraine muốn phương Tây hỗ trợ trong cuộc xung đột với Nga. Theo đó, Ukraine cần khoảng 300 xe tăng, 600 - 700 xe chiến đấu bộ binh và 500 lựu pháo, ông Zaluzhny đồng thời nói rằng ông sẽ "trao đổi với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley về vấn đề này. Lực lượng Không quân Ukraine cần nhiều phương tiện quân sự để có cơ hội hoàn thành mục tiêu mà Tổng thống Zelensky đề ra.
"Người dân Ukraine không muốn nhượng bộ lãnh thổ", Tổng thống Zelensky cho hay, đồng thời nói rằng đó là lý do tại sao việc giành lại toàn bộ lãnh thổ, trong đó bao gồm Crimea có vai trò rất quan trọng.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhận định, việc giành lại Crimea đã bắt đầu xuất hiện trong suy nghĩ của người dân Ukraine, đồng thời ám chỉ ông có thể thăm Bán đảo này sớm nhất là vào năm 2023. Dù vậy, theo ông Zelensky, việc Ukraine nhiều lần tuyên bố bán đảo này là một phần lãnh thổ của mình vẫn chưa đủ. Tổng thống Ukraine cho rằng Kiev nên sẵn sàng giành lại Crimea bằng vũ lực và đánh giá Nga sẽ không từ bỏ vùng lãnh thổ này.
Khả năng đáp ứng của Mỹ và phương Tây
Giới chức phương Tây cho rằng, việc cung cấp vũ khí mới cho Ukraine cũng như việc Tổng thống Zelensky quyết tâm giành lại Crimea bằng vũ lực có thể khiến Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ngoài ra, hiện chưa rõ liệu phương Tây có cung cấp tất cả các vũ khí mà Ukraine yêu cầu hay không. Phía Ukraine yêu cầu khoảng 1.500 xe bọc thép, lớn hơn tổng số xe bọc thép mà hầu hết quân đội châu Âu sở hữu.
Mỹ và các nước Tây Âu đã cung cấp số lượng vũ khí và đạn dược cho Ukraine nhiều tới mức kho vũ khí của họ đang ở mức thấp đáng lo ngại. Chỉ Mỹ, Anh và Đức có một số hệ thống pháo và các loại xe tăng hiện đại mà Ukraine đang tìm kiếm nhưng không có nước nào trong số những quốc gia trên thông qua việc cung cấp hàng trăm phương tiện này cho Ukraine.
Nếu Tổng thống Biden cung cấp cho Ukraine tất cả vũ khí mà nước này yêu cầu (cùng với chương trình huấn luyện mở rộng cho binh lính Ukraine) mà Lầu Năm Góc vừa thông báo, Ukraine cho rằng nước này có thể đạt được tiến triển kịp thời để đẩy lùi quân đội Nga. Tuy nhiên, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine - quốc gia không có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, theo yêu cầu của nước này sẽ đặt an ninh quốc gia của Mỹ vào rủi ro.
Trên thực tế, nếu sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine khiến sự kiểm soát Crimea của Nga gặp rủi ro, phương Tây cho rằng khả năng Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ tăng cao. Cách đây vài ngày, Tổng thống Putin cho biết nếu lãnh thổ của Nga gặp rủi ro, ông sẽ cân nhắc đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Một số nhà quan sát cho rằng việc tạo điều kiện hoặc ủng hộ Ukraine thực hiện cuộc tấn công vào Crimea là một động thái vô cùng liều lĩnh.
Ukraine tuyên bố nước này sẽ làm mọi thứ có thể trong khả năng của mình để đẩy lùi các lực lượng của Nga. Mặc dù phương Tây hiểu rõ về thái độ và mục tiêu của Ukraine nhưng các lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ không đồng nhất với các lợi ích của Ukraine.
Bất kể Mỹ cam kết hỗ trợ Ukraine ở mức độ nào thì điều đầu tiên và trách nhiệm chủ yếu của Washington là đảm bảo an toàn và an ninh cho đất nước của mình, trong khi đáp ứng các nghĩa vụ theo hiệp ước phòng thủ tập thể với các nước NATO.
Theo Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/my-se-ho-tro-vu-khi-cho-ukraine-khi-1500km-tien-tuyen-nuoc-nay-dang-chiu-suc-ep-post991471.vov