Theo sách “Đăng khoa lục” và “Đại Việt sử ký toàn thư”, Tô Thế Huy sinh năm 1666, quê ở thôn Bình Đắng, còn gọi là Bằng Đắng, tổng Đồng Phú, huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đái, thuộc Sơn Tây, nay là thôn Bình Trù, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Nhiều tài liệu lịch sử cũng như trong gia phả của dòng họ cho biết, Tô Thế Huy tham gia kì thi năm Đinh Sửu - 1697. Về khoa thi này hiện nay vẫn còn lưu ở bài kí trên văn bia số 54 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám: Mùa đông năm Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa thứ 18, bủa lưới cầu hiền, mở trường thi tài kén kẻ sĩ. Lúc ấy sĩ phu ùn ùn như mây, kéo về ứng thí có 3.000 người. Qua 4 kì đãi lọc, chọn hạng ưu được 10 người. Khoa này lấy đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân 2 người, Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân 8 người. Tô Thế Huy thi đậu danh sách thứ 2 hàng Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ.
và có bài vị được thờ tự ở hậu cung của Văn miếu. Sách Danh nhân Vĩnh Phúc của Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Kim Thuyên có ghi: Sau khi đỗ đại khoa, Tô Thế Huy được cử làm quan tới chức Hữu Thị Lang.
Đến tháng 6 năm Canh Tý đời Vĩnh Thịnh thứ 16 (1720), Vua Lê Dụ Tông ban cho ông và 3 người nữa tước Hầu. Năm Bảo Thái thứ 2 (1722), ông được cử giữ chức phó Sứ, sang nhà Thanh tuế cống. Trở về ông được tiến cử vào hầu trong phủ chúa Trịnh Cương, giữ chức Bồi tụng ở phủ đường rồi được thăng lên chức Tả Thị lang Bộ Lễ, tước quận công là Cảo Quận Công.
Suốt những năm giữ chức trách của một vị quan trong nội điện, Tô Thế Huy luôn thể hiện là người trung chính với triều đình, vì lợi ích chung của nhân dân, đất nước. Sau khi mất, ông được phong chức Thượng thư bộ Công.
Tưởng nhớ, tri ân vị Tiến sĩ có công lao to lớn với triều đình và là người đầu tiên mở ra dòng văn hiến của làng Bằng Đắng, Nhân dân đã lập đền thờ ông tại khuôn viên của gia đình ông từ thế kỉ XVII. Trải qua biến thiên lịch sử, ngôi đền thờ cũ không còn nữa. Năm 2014, cùng với sự quan tâm các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã, con cháu dòng họ Tô và Nhân dân trong vùng đã xây dựng ngôi đền thờ Danh nhân Tô Thế Huy ở thôn Bình Trù, xã Cao Đại.
Trên bia kí ghi chép việc thờ cúng hậu thần thôn Bình Đắng còn ghi rõ: “Từ thời Tô Tiến sĩ khai khoa về sau nhân tài luôn có, đạo học mở mang, văn chương và tri thức sánh cùng thiên hạ. Đó là cái khuôn mẫu từ xưa đến nay vậy”. Quả thực sau Tô Thế Huy, làng Bình Đắng có 15 vị đỗ trung khoa, trong đó họ Tô có 13 người. Trong đền thờ Danh nhân Tô Thế Huy ngày nay còn lưu giữ nhiều sắc phong, câu đối giàu ý nghĩa và giá trị lịch sử.
Những câu đối trong đền thờ đều ca ngợi một vị quan tài đức vẹn toàn. “Muôn thuở danh thơm vẻ vang rạng rỡ tên ghi trong sử - Mười chín năm giữ nghĩa chẳng chút phù hoa họ gọi là Tô”, “Văn Tiến sĩ, võ xếp Quận công, làm quan danh vọng chốn triều đình – Nước là trung thần, nhà là con hiếu, thực vẹn toàn trong thiên hạ”. Đặc biệt, trong đó có đôi câu đối Vua Chính Hòa triêu Lê ban tặng Danh nhân Tô Thế Huy, được dịch nghĩa là: “Mưu sự mười ba năm đức tài phò tá lòng trung ngời ngời khiến bề trên được thỏa – Sứ trình ngàn vạn dặm, triều đình trọng dụng, xã tắc yên vui, phụ bật khắp gần xa”.
Khi trở về trí sĩ ở quê nhà, Tiến sĩ Tô Thế Huy đã xây dựng Vân Đài giống như thư viện để lưu trữ các bản ngọc phả ở các đình, đền, miếu ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ. Ông cũng để lại nhiều bài kí văn bia đang được lưu giữ ở một số địa phương trong cả nước.
Tương truyền, Danh nhân Tô Thế Huy là người cho đào giếng, khơi mạch nước ngầm, giúp nhân dân trong vùng có điều kiện sinh hoạt và sản xuất tốt hơn. Trong khuôn viên đền thờ Danh nhân còn lưu giữ một tang giếng ông cho xây dựng từ thế kỉ XVII.
Họ Tô tại thôn Bình Trù tới nay đã trải gần 400 năm. Các thế hệ hậu duệ luôn tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang của dòng họ, góp phần xây dựng truyền thống văn hoá khoa bảng của quê hương.
Đền thờ Danh nhân Tô Thế Huy đã và đang trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử địa phương, tiếp tục lan tỏa truyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học của cả một vùng văn hiến Cao Đại, Vĩnh Tường. Trong lòng Nhân dân thôn Bình Trù cũng như xã Cao Đại, Danh nhân Tô Thế Huy là người anh hùng thế xuất của nền khoa bảng địa phương. Ông đã góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước và là hiện thân tiếp nối truyền thống hiếu học có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Lịch sử là dòng chảy không ngừng, nhưng các thế hệ hậu duệ sẽ mãi ghi nhớ, tri ân công ơn của những người đã sống và cống hiến vì đất nước, vì Nhân dân. Họ sẽ sống mãi với thời gian../
Tuyết Minh