Một triều đại chỉ tồn tại trong lịch sử Việt Nam vỏn vẹn 65 năm nhưng đã kịp để lại nhiều dấu ấn về văn hóa, kinh tế và khoa cử, đó là Vương triều nhà Mạc đã trị vì ở Thăng Long từ năm 1527-1592.
Ngày nay, bằng những nghiên cứu lịch sử, chúng ta đã và đang nhìn nhận lại những đóng góp và vai trò của triều đại này đối với lịch sử Việt Nam. Theo đó, các di tích, di vật của thời Mạc cũng đã được nhìn nhận lại. Tại Vĩnh Phúc, những ẩn số về những di tích, những ngôi chùa liên quan đến vương triều Mạc cũng đã được giải đáp. Một trong những ẩn số đó phải kể đến ngôi chùa cổ kính mang tên Sùng Khánh tự, tọa lạc tại xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch.
Chùa Sùng Khánh được xây dựng từ thế kỷ 17. Nơi đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương mà còn được đánh giá là ngôi chùa chứa nhiều giá trị lịch sử cũng như giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang dấu ấn phong cách kiến trúc của một thời đại. Trải qua bao biến đổi của lịch sử và thời gian, chùa Sùng Khánh vẫn giữ được những giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc nghệ thuật riêng có. Chùa Sùng Khánh được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2016...
Trải qua năm tháng, nắng mưa cùng sự hưng phế của thời cuộc, nhờ được người dân Tiên Lữ, huyện Lập Thạch đã dày công gìn giữ, nên về cơ bản ngôi chùa cổ vẫn được bảo tồn. Năm 1999, tam quan chùa được phục dựng. Tới năm Mậu Tý (2008), vào tháng Chạp, lầu chuông được trùng tu, tôn tạo, tọa lạc nơi trung tâm sân chùa.
Bên cạnh đó, chùa Sùng Khánh còn là nơi ghi dấu sự hình thành và phát triển của hậu duệ nhà Mạc, cũng như công lao mở mang, khai hoang lập đất và phát triển dòng họ Mạc trên vùng đất Tiên Lữ. Chùa Sùng Khánh luôn được chính quyền và Nhân dân Tiên Lữ gìn giữ, xem đây là một báu vật của quê hương. Việc trông coi ngôi chùa được dân làng giao cho các thủ nhang và hầu hết những thủ nhang chùa Sùng Khánh đều thuộc họ Nguyễn gốc Mạc ở Tiên Lữ, như thủ nhang Nguyễn Khánh Ca là hậu duệ đời thứ 8 họ Nguyễn gốc Mạc. Ông Ca đã làm công việc giữ chùa từ năm 1990 đến nay.
Chùa hiện vẫn còn đang bảo lưu được kiến trúc cổ bằng chất liệu gỗ mít khá vững chắc mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê. Chùa Sùng Khánh hiện vẫn còn đang lưu giữ được 2 bia đá cổ được dựng vào thời nhà Lê, ghi lại thời điểm xây dựng chùa và những người góp công xây dựng. Chùa Sùng Khánh không chỉ lưu giữ được kết cấu nguyên bản của ngôi chùa Việt truyền thống mà còn mang đậm những dấu tích tiêu biểu, độc đáo của kiến trúc chùa Việt thời nhà Mạc.
Nét nổi bật trong nghệ thuật kiến trúc gỗ của chùa Sùng Khánh thuộc về kỹ thuật bào trơn đóng bén, mộng sàm chặt khít, đảm bảo tính bền vững, chắc khỏe của một công trình kiến trúc lớn. Mái chùa có kết cấu theo lối bốn mái, trên lợp ngói mũi hài, tạo cho ngôi chùa thêm vẻ bền vững, uy nghi. Chùa Sùng Khánh là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở vùng. Bởi những dấu tích và hệ thống tượng thờ mà hiện nay ngôi chùa còn giữ lại.
Hệ thống tượng thờ ở chùa Sùng Khánh là yếu tố độc đáo nhất của ngôi chùa. Tọa lạc nổi bật ở phía trước tiền đường (bên lối vào - ra chùa) là hai pho tượng rất lớn, có tên là tượng Khuyến thiện và tượng Trừng ác. Hai pho tượng này có chiều cao ước khoảng trên 2m. Tượng được nghệ nhân xưa tạo hình rất công phu, sinh động, cách tạo hình phóng khoáng, bay bổng và tài hoa của nghệ nhân xưa cộng hưởng lại làm tăng thêm vẻ uy nghi, oai nghiêm của vị thần được dân gian Việt tôn kính.
Thêm một điểm độc đáo làm nên sự đặc biệt của chùa Sùng Khánh, đó là hai bên phía đầu hồi tòa tiền đường, gần cửa ra vào của chùa Sùng Khánh được bài trí hai cụm tượng khá lạ, không giống sự bài trí thường thấy ở nhiều ngôi chùa truyền thống khác. Hai cụm tượng này gồm 8 pho tượng, mỗi bên 4 pho, tọa lạc sát bức tường đầu hồi toà tiền đường. Theo các nhà nghiên cứu, thì đây là cụm tượng Bát Bộ Kim Cương.
Nhưng điểm đặc biệt hơn cả, tạo nên sự riêng có của ngôi chùa Sùng Khánh cũng như về hệ thống tượng thờ trong chùa khiến các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm đến triều đại nhà Mạc trong lịch sử dân tộc ta đều không thể bỏ qua. Cũng tại gian bái đường, còn có hai nhóm tượng lạ, được dân gian ở đây gọi là tượng Ông và tượng Bà.
Sự đặc biệt của tượng Ông và tượng Bà trước hết thuộc về hình dáng bên ngoài. Đó là cả hai tượng đều không có vẻ ngoài giống những pho tượng Phật thường thấy, mà tượng Ông mang dáng dấp võ tướng, được tạc ở tư thế ngồi theo dáng thiết triều. Tượng bà cũng được tạc ở tư thế ngồi, hai bên có tượng hai thị nữ chắp tay đứng chầu. Các tư liệu nghiên cứu còn lưu lại cho biết: trước đây, gương mặt tượng Bà được tạo hình có râu, ria như nam giới. Mặc dù vậy, vẫn nhận thấy đó là tượng nữ nhân, bởi dáng tượng thanh thoát, cổ cao ba ngấn, gương mặt nhẹ nhõm, sống mũi thanh, lông mày mảnh và cong. Đặc biệt, dù tượng vận y phục giống áo của bậc tăng, ni nhưng bên trong lại mang yếm.
Các pho tượng ở chùa Sùng Khánh được tạc bằng gỗ mít, bao phủ bên ngoài bằng các lớp đất sét luyện kỹ với trấu, giấy dó, được tô màu rất sinh động. Bằng trí tưởng tượng phong phú, sự tỉ mỉ, khéo léo, tinh tế, các nghệ nhân Việt xa xưa đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đích thực: mỗi pho tượng chùa Sùng Khánh hiển lộ một phong thái, nội tâm… toát ra từ diện mạo, dáng vẻ… Bởi vậy, những pho tượng phật ở chùa Sùng Khánh thực sự là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, rất cần được gìn giữ, bảo tồn.
Ở thượng điện chùa Sùng Khánh, còn lưu giữ hai bia đá cổ ghi lại hai giai đoạn lịch sử quan trọng của chùa Sùng Khánh. Nội dung trong bia thứ nhất (tạc năm 1708, kể lại việc xây tường bao và tu sửa lại chùa do tiểu tăng trụ trì là Nguyễn Hữu Pháp tự Đạo Thái, hiệu Huyền Ân đã hưng công, cùng tham gia còn có hơn 30 vị khác là người trong vùng. Bia thứ hai tạc năm 1716, tuy đã bị vỡ mất góc lớn phía dưới, nhưng cũng cung cấp thêm những thông tin quý về quá trình tồn tại của ngôi chùa.
Chùa Sùng Khánh - ngôi chùa mang trong mình những giá trị văn hóa - lịch sử to lớn mà không phải bất kỳ ngôi chùa nào cũng có được. Sự tồn tại của những di tích, di chỉ của những bia đá, lăng mộ hay những ngôi chùa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giúp chúng ta có thêm cơ hội tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử của dân tộc, qua đó có được cái nhìn khách quan, chính xác, đầy đủ hơn về triều đại nhà Mạc - một triều đại tiến bộ, có nhiều đóng góp cho dân tộc gắn liền với một giai đoạn lịch sử của dân tộc ta.
Thùy Chung