Tên làng Lũng Ngoại (còn gọi là Lũng Ngòi) thuộc xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường được đặt theo con ngòi bắt nguồn từ chân núi Tam Đảo chảy qua Tam Dương rồi uốn khúc bao quanh địa giới của làng.
Cư dân Lũng Hòa bao đời nay sinh sống trên vùng đất cổ với nhiều trầm tích văn hóa được trao truyền từ đời này sang đời khác và đến nay vẫn còn giữ được những nét văn hóa truyền thống riêng biệt. Trong một năm, làng Lũng Ngoại có nhiều lễ tiệc lớn. Vào dịp lễ hội, nơi đây lại diễn ra các hoạt động văn hóa tưng bừng với các đám rước kiệu, tế lễ uy nghiêm và các trò chơi dân gian vui nhộn, biểu hiện sức sống mãnh liệt của văn hóa làng đặc sắc, phong phú. Ấn tượng rõ nhất khi về mảnh đất này là hệ thống đình chùa và ẩm thực mang nét riêng. Trong đó, Đền Ngòi - một trong những ngôi đền cổ, là công trình kiến trúc nghệ thuật truyền thống đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1994, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc.
Sách sử ghi lại rằng, xưa kia nữ tướng Lê Thị Ngọc Trinh được sinh ra trên mảnh đất này đã cùng Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa đánh thắng giặc Đông Hán. Với nhiều chiến công hiển hách, bà được Vua ban chức Đại tướng và phong tặng tám chữ Vàng “Quần thoa hào kiệt, dũng lược tuyệt trần”. Sau khi Nữ tướng trở về quê gửi thân cho đất mẹ, Nhân dân trong làng đã tỏ lòng thành kính ghi ân, lập Đền thờ cúng ngay bên dòng sông quê hương và xây ba ngôi đình thờ vọng ở ba thôn trong làng. Ngôi đền rộng 12.300m2, bao quanh đền là khuôn viên với những cây cổ thụ có niên đại hàng trăm năm.
Đền Ngòi được xây dựng trên một gò đất cao nhiều cây cối tỏa bóng mát quanh năm. Lễ hội Đền Ngòi hàng năm được tổ chức 2 lần là những ngày đầu xuân năm mới từ ngày 4 đến ngày 7 tháng Giêng và ngày 9-10 tháng 9 âm lịch. Liên quan đến những lễ hội này có rất nhiều trò chơi truyền thống và món ăn dân gian được người dân làng Lũng Ngoại lưu giữ cho đến ngày nay. Một trong những món bánh không thể thiếu được dâng lên Nữ Thánh trong dịp lễ đó là bánh Ngõa.
Bất kỳ người dân hay du khách nào đến Lũng Hòa người dân đều được thưởng thức đặc sản làm xiêu lòng người bởi hương vị riêng biệt đó là bánh Ngõa. Nghe cái tên bánh, không ít người thấy lạ. Tuy nhiên, chính điều đó, lại làm nên sức hút và ấn tượng để nó trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng đất này. Tên của bánh có lẽ là do khâu chuẩn bị bột kĩ lưỡng công phu như thợ Ngõa làm nhà nên gọi là bánh Ngõa.
Thời xưa, loại bánh này được coi là cao lương mỹ vị. Loại bánh không được ăn thường ngày, nó chỉ được làm vào đúng dịp mừng thọ các cụ cao niên, các dịp lễ tết. Một mâm bánh Ngõa ước tính trọng lượng lên đến một yến. Bánh sẽ được xếp thành hình nón cụt và cực kỳ ngay ngắn trên mâm đồng. Nó sẽ được rước ra đình để làm lễ trước khi ăn. Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà bánh trở thành cao lương mỹ vị. Có lẽ, chính là nhờ vào mùi thơm nhẹ, vị ngọt thanh tao khiến người thưởng thức không thể nào quên dù chỉ một lần.
Bánh Ngõa làm từ những nguyên liệu hết sức bình dị, gồm: bột nếp, mật mía và lạc hoặc đậu xanh. Đối với người dân Lũng Ngoại, công thức làm bánh Ngõa có từ bao đời và đến nay vẫn không thay đổi, chỉ là do bàn tay và kinh nghiệm làm của mỗi người là khác nhau.
Văn hóa ẩm thực của người Việt tự bao đời nay dựa trên sự phát triển của nền văn minh lúa nước. Vì vậy, có rất nhiều loại bánh được làm nên từ 3 thứ nguyên liệu chính này, nhưng qua bàn tay và gu ẩm thực riêng của người Lũng Ngoại, họ đã tạo nên một loại bánh riêng của mình, đặc trưng về hương vị, mùi thơm. Bánh Ngõa có công đoạn chế biến cầu kỳ và công phu nhất. Gần 20 năm về làm dâu làng Lũng Ngoại, chị Chu Thị Tuyền đã được học và rất đam mê với món bánh truyền thống này. Được sự chỉ dạy của mẹ chồng cũng như những người có kinh nghiệm làm bánh Ngõa lâu năm và nổi tiếng ở làng Lũng Ngoại chị Tuyền đã tìm ra bí quyết làm bánh ngon.
Ngày nay, bánh Ngõa được làm vào nhiều dịp trong năm. Đặc biệt ngày càng có nhiều thực khách yêu mến và mong muốn được thưởng thức món bánh này. Nắm bắt được nhu cầu này chị Tuyền đã bắt đầu làm bánh Ngõa để bán. Để phục vụ nhu cầu của khách hàng chị Tuyền cũng đã thay đổi cách làm một chút như cho thêm dừa vào nhân bánh hay làm nhân đậu xanh thay vì nhân lạc cũng như giảm độ ngọt của bánh so với trước kia. Điều đáng tiếc rằng có rất nhiều người chưa được biết đến loại bánh này. Khi chúng tôi tìm hiểu trên Google search thì hình ảnh về loại bánh này hầu như rất hiếm. Việc biến món quà quê này trở thành một đặc sản để nhiều người tiêu dùng biết đến như cách làm của chị Tuyền là rất cần thiết.
Bánh Ngõa mang đến cho người thưởng thức sự khác biệt so với các loại bánh khác. Đó là vị dẻo dai của gạo nếp, vị ngọt thanh của mật mía, kết hợp với vị ngon bùi bùi của đậu xanh hoặc lạc. Đặc biệt lớp bột áo được tạo ra từ bột đậu xanh rang khô, mịn màng bao bên ngoài giúp cho bánh được cân bằng vừa mềm dẻo lại thanh nhã, càng ăn lại càng thấy được vị ngọt bùi, thơm mát.
Đến với Vĩnh Phúc trong những dịp lễ hội đầu Xuân, đặc biệt đến với Lũng Hòa thì đi lễ Đền Ngòi và thưởng thức bánh Ngõa sẽ đem lại những trải nghiệm vô cùng thú vị cho du khách.
Thùy Chung