50 năm đã trôi qua, kể từ sau hiệp định Paris được ký kết, ngày trở về từ "địa ngục trần gian" của các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại các trại giam nhà tù đế quốc đã trở thành sự kiện quan trọng không thể phai mờ trong ký ức của hàng ngàn người lính.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã có hàng ngàn chiến sĩ cách mạng rơi vào tay của kẻ thù, trong đó có hàng trăm chiến sĩ là con em các dân tộc của tỉnh Vĩnh Phúc bị bắt, giam cầm, tra tấn cực hình tại nhiều nhà lao từ Bắc vào Nam. Từ năm 1973, hàng nghìn tù binh, tù chính trị đã chiến thắng trở về với cách mạng và quân đội, trong đó có hàng trăm chiến sĩ cách mạng là người con của Vĩnh Phúc đã trở về. Dù mang trong mình đầy thương tích, sức khỏe suy giảm, bệnh tật đeo đẳng suốt cả cuộc đời, nhưng vẫn tiếp tục cống hiến trí lực cho công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện đường lối đổi mới đất nước.
Vĩnh Phúc hiện còn 282 cựu chiến binh là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong các thời kỳ, hiện đang sinh hoạt tại các huyện, thành Hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 87 hội viên chống Pháp, 195 hội viên chống Mỹ. Có 46 hội viên từng có giấy báo tử là liệt sỹ, nhưng vẫn còn sống sót trở về .
50 năm qua, nghĩa tình đồng đội, gắn bó thương yêu nhau không bao giờ phai nhạt, ngày gặp mặt, mỗi chiến sỹ năm xưa không khỏi bùi ngùi nhớ về các bạn tù - những đồng đội luôn kè vai sát cánh bên nhau trong các cuộc đấu tranh và những trận đòn tra tấn tàn khốc của quân thù. Nhiều người đã anh dũng hy sinh tại các nhà tù của Mỹ - Ngụy, nhiều chiến sỹ do tuổi cao sức yếu cộng với di chứng của đòn thù để lại đã về thế giới bên kia. Tuy vậy, lòng kiên trung, bất khất và tinh thần thép trong mỗi chiến sỹ vẫn mãi mãi. Dây thép gai, còng, khóa, gông cùm không ngăn được lòng yêu nước; nhục hình, nắng mưa không phai được chí kiên cường của họ.
Phú Quốc, Côn Đảo và nhiều nhà tù Đế quốc khác tại Việt Nam là những chiến trường khốc liệt. Ở nơi đó các chiến sỹ cách mạng không vũ khí, chỉ bằng sức mạnh tinh thần là chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng yêu nước, đã hiên ngang đối mặt với kẻ thù, không chịu khuất phục trước những đòn tra tấn tàn bạo, những thủ đoạn chiến tranh tâm lý và chiêu hồi của kẻ địch, các chiến sỹ đã chiến đấu và chiến thắng như những huyền thoại.
Trong lao tù, với hệ thống “địa ngục trần gian”, kẻ địch đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt, tàn bạo, thậm chí có nhiều cách tra tấn nhục hình như thời trung cổ, nhưng các chiến sỹ cộng sản vẫn một lòng kiên trung, sắt son với Tổ quốc, đấu tranh với kẻ thù bằng nhiều hình thức như: tuyệt thực, không chào cờ của địch, chống hô khẩu hiệu phản cách mạng, đấu tranh trực diện với bọn cai ngục… Nhờ vậy đã bảo toàn được tổ chức Đảng trong nhà lao.
Nhiều chiến sỹ, đảng viên đã vô cùng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo tổ chức các cuộc đấu tranh nhỏ làm chấn động sào huyệt của kẻ thù. Bằng ý chí kiên cường và sự khôn khéo, những người cộng sản đã biến chốn lao tù trở thành trận tuyến đặc biệt và cũng từ chốn lao tù ấy, những con người tay không một tấc sắt nhưng có chung một lý tưởng duy nhất đó là lý tưởng cách mạng đã chiến thắng kẻ thù tàn bạo và trở thành biểu tượng cao đẹp cho lòng yêu nước của người dân Việt Nam.
Nhiều chiến sỹ cách mạng vượt qua gian khổ, trong các cuộc đấu tranh với giặc, dù phải đối mặt với đói rét, bệnh tật, bom đạn của quân thù nhưng những cán bộ, chiến sỹ không may bị địch bắt vẫn thực hiện nghiêm lời thề thứ 6 trong 10 lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam: “Nếu bị quân địch bắt, dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với dự nghiệp cách mạng, không bao giờ phản bội, xưng khai”
Hơn thế nữa, cho dù bị đày đọa, khổ ải nhưng các chiến sỹ đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản, cùng nhau học tập, trau dồi kiến thức, giáo dục đạo đức cách mạng, học tập Di chúc của Bác; phát triển tổ chức đảng, đoàn; tổ chức vượt ngục... khiến kẻ địch khiếp sợ, nể phục ý chí của người cộng sản, khí tiết của người chiến sỹ cách mạng.
Trong số hơn 280 chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy của Vĩnh Phúc hiện còn sinh sống, có trên 80% là thương binh, bệnh binh hoặc bị nhiễm chất độc hóa học dioxin. Máu và tuổi xanh của các anh đã hiến dâng cho đất nước để viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.
Trở về với đời thường, mặc dù còn nhiều khó khăn, song các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày năm xưa vẫn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, tiếp tục giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, truyền thống yêu nước để đất nước mãi trường tồn. Tham gia tích cực phong trào xây dựng NTM trong khả năng của mình, đúng như lời mà cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói: “Sống trong tù kiên trung bất khuất. Sống ngoài đời tình nghĩa, thủy chung”.
Thời gian không ngừng trôi, chiến tranh cũng lùi xa nhưng tinh thần cách mạng, lòng yêu nước của những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày luôn là ngọn đuốc cho thế hệ trẻ hôm nay tự hào với truyền thống vẻ vang của dân tộc, họ thật sự là những huyền thoại sống./.
Bích Hằng