Quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất trong mọi hoạt động để đảm bảo việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non có hiệu quả.
Từ việc xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục cho đến những hoạt động cụ thể của giáo viên như lập kế hoạch, xây dựng môi trường giáo dục, tổ chức hoạt động... tạo nên sự khác biệt cơ bản so với những phương pháp giáo dục truyền thống trước đó.
Trước đây, khi tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ, giáo viên dự kiến trước bài dạy của mình như thế nào thì sẽ chuyển tải hết nội dung như thế, quan điểm tổ chức theo ý chủ quan của giáo viên được thể hiện qua bài soạn mẫu, thiếu gợi mở, phù hợp cho vùng miền, chưa chú ý đến phương pháp tác động đến nhận thức, tư duy tích cực, chưa dành thời gian cho hoạt động trải nghiệm, phát triển các giác quan và kích thích tò mò của trẻ với phương châm “chơi mà học, học bằng chơi”.
Kể từ khi chuyên đề “Xây dựng Trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm” được triển khai, áp dụng tại Vĩnh Phúc, cô và trò Trường Mầm non Hội Hợp A, thành phố Vĩnh Yên đã có sự thay đổi khác biệt: trẻ trở nên tự tin khi giao tiếp, yêu thích khám phá và tăng tính tương tác giữa cô và trò, giữa các bạn cùng trang lứa.“Lấy trẻ làm trung tâm” với phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi” đã đòi hỏi cán bộ quản lý, giáo viên phải căn cứ vào hứng thú, nhu cầu, khả năng, thế mạnh của mỗi trẻ để thực hiện.
Để làm tốt được chuyên đề này, Ban Giám hiệu Trường Mầm non Hội Hợp A đã triển khai nội dung chuyên đề đến 100% giáo viên. Tổ chức dự giờ, kiểm tra, đánh giá những nội dung chăm sóc, giáo dục theo hàng tuần, hàng tháng đối với mỗi giáo viên để kịp thời tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm. Điều quan trọng của việc phát huy nhu cầu, hứng thú vui chơi, học tập của trẻ là giáo viên phải nắm và hiểu được khả năng, thế mạnh của mỗi đứa trẻ, được đánh giá đúng và được tôn trọng; mỗi đứa trẻ đều có cơ hội tốt nhất có thể để thành công và mỗi đứa trẻ đều có các cơ hội để học bằng nhiều cách khác nhau kể cả thông qua vui chơi, trải nghiệm tạo cơ hội cho trẻ được bộc lộ hết khả năng của riêng mình.
Phát huy nhu cầu, hứng thú trong tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ
Để thực hiện có chất lượng, đạt hiệu quả nội dung này, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường mầm non đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp và khả năng của trẻ; đẩy mạnh tích hợp, chú trọng giáo dục thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, hình thành và phát triển kỹ năng sống, những hiểu biết xã hội phù hợp với từng độ tuổi. Những nội dung chuyên đề này cũng đang được trường Mầm non Hợp Thịnh triển khai tích cực, đem lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt trong năm học vừa qua, trường Mầm non Hợp Thịnh còn xây dựng mô hình điểm Trường học hạnh phúc của huyện.
Ngoài ra, với chuyên đề xây dựng Trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm còn trao quyền chủ động cho địa phương, cơ sở giáo dục mầm non, giáo viên trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với trẻ em mầm non và điều kiện của địa phương, của cơ sở GDMN. Vì vậy, để chất lượng giáo dục trẻ được duy trì và nâng lên thì nhân tố tác động trực tiếp là giáo viên mầm non dưới sự định hướng, chỉ đạo, hướng dẫn của cán bộ quản lý các cấp.
Môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm
Môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là môi trường sạch sẽ, gần gũi, thân thiện, an toàn về mặt thể chất và tinh thần đối với trẻ. Trẻ thường xuyên được giao tiếp, thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và trẻ với những người xung quanh. Hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ của giáo viên đối với trẻ và những người khác luôn mẫu mực để trẻ noi theo.
Môi trường vật chất có sự bố trí khu vực chơi và học trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận tiện có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với sự phát triển thể chất của trẻ, mà còn thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo, là môi trường mà trẻ tham gia xây dựng cùng giáo viên: bổ sung thêm học liệu, đồ chơi; sắp xếp và vệ sinh góc chơi. Các góc vui chơi phong phú, học tập trong lớp và ngoài trời, học liệu đa dạng, hấp dẫn, khuyến khích trẻ có thể sử dụng theo nhiều cách sáng tạo khác nhau. Giáo viên cần tận dụng nguyên vật liệu sẵn có của địa phương để có nhiều cơ hội cho trẻ lựa chọn học liệu và hoạt động.
Giáo viên trò chuyện và chơi với trẻ, kích thích trẻ tư duy và điều quan trọng là trẻ có thể chủ động, tích cực để vui chơi, tìm tòi khám phá, trải nghiệm, thực hành, sáng tạo, hợp tác và chia sẻ ý tưởng. Khuyến khích những sáng tạo và tận dụng điều kiện sẵn có của địa phương trong tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các trường mầm non nhằm thúc đẩy sự phát triển phù hợp với nhu cầu, khả năng của trẻ.
Giáo viên chủ động, sáng tạo
Với quan điểm “mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt” và “mỗi trẻ đều có cơ hội được học bằng nhiều cách khác nhau”, vì vậy tổ chức hoạt động cho trẻ mầm non cần được tiếp cận với phương pháp “lấy trẻ làm trung tâm”. Đó là phương pháp mà giáo viên cần chú ý đến hứng thú, nhu cầu, khả năng, thế mạnh của mỗi trẻ để hiểu, đánh giá đúng và tôn trọng.
Xây dựng Trường Mầm non “lấy trẻ làm trung tâm” là giáo viên có khả năng tự thiết kế kế hoạch bài dạy để dạy trẻ đạt kết quả tốt nhất; có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức cùng trẻ làm đồ dùng dạy học, đồ chơi phong phú, đa dạng mang tính giáo dục và thẩm mỹ cao.
Có thể nói, chuyên đề xây dựng Trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm là chuyên đề mang hướng mở, đem lại rất nhiều hiệu quả cho giáo dục mầm non. Hầu hết các trường mầm non trên địa bàn tỉnh sau khi triển khai chuyên đề này đều cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt so với phương pháp giáo dục truyền thống trước đó.
Nâng cao hiệu quả chăm sóc và giáo dục trẻ sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai, đào tạo ra thế hệ trẻ tương lai của đất nước, đủ đức, đủ tài, xây dựng quê hương ngày cành giàu mạnh./.
Hà Lý