Dịp Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần, nhằm góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trong các hoạt động ngoại khóa, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức chương trình Tết Xuân với các hoạt động trải nghiệm đa dạng: tái hiện không gian tết xưa; tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động văn hóa Tết. Thông qua những hoạt động này vừa giúp cho học sinh được tham gia trải nghiệm thực tế, vừa góp phần gìn giữ những nét đẹp cổ truyền của dân tộc.
Những năm gần đây, các trường học trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đều tổ chức các hoạt động trải nghiệm “Bánh chưng xanh - Tết an lành”, “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” theo nét riêng và điều kiện của mỗi trường. Mục đích chính nhằm giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa ngày Tết của dân tộc; Giáo dục tình thương yêu, chia sẻ; đặc biệt là giúp các em thực hành kỹ năng trang trí, làm món ăn ngày Tết… Những hoạt động này đã để lại nhiều ấn tượng cho học sinh, nhất là với hoạt động trải nghiệm như: gói bánh chưng, viết câu đối thư pháp, bày mâm ngũ quả…
Hiện nay, các trường học khối mầm non và tiểu học, các “phiên chợ Xuân” đều được các trường hưởng ứng và triển khai. Qua đó, các em học sinh có thể trải nghiệm, hiểu hơn về ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là một hoạt động rất được các em học sinh vô cùng háo hức mong chờ trước ngày Tết Nguyên đán cận kề. Việc đưa vào chương trình trải nghiệm cho học sinh nhân các dịp lễ, Tết như vậy đã giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về những giá trị truyền thống của dân tộc. Các em học sinh được trực tiếp tham gia trải nghiệm, hóa thân vào các nhân vật lịch sử… Từ đó, mở rộng việc lĩnh hội kiến thức từ thực tế và giúp các em dễ hình dung, dễ kết nối nhiều hơn giữa quá khứ và hiện tại.
Tại các tTrường mầm non, việc tái hiện lại không khí Tết cổ truyền dân tộc cũng được các cô và trò chuẩn bị khá chu đáo, công phu. Với sự góp mặt của các gian hàng chợ tết cùng với những sản phẩm truyền thống đã giúp các em nhỏ được thỏa thích tìm tòi, khám phá, các phụ huynh cũng háo hức khi được cùng con em mình hòa mình và không khí mùa xuân ngay tại trường học.
Đối với trẻ lứa tuổi mầm non, dạy trẻ biết yêu áo dài dân tộc, yêu những chiếc bánh chưng truyền thống hay những bài hát mùa Xuân… là cách giáo dục văn hóa truyền thống vô cùng ý nghĩa.
Khi lớn lên, trẻ hòa mình vào thế giới rộng lớn, chính lòng tự hào về văn hóa dân tộc giúp trẻ biết cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Việc tăng cường hoạt động trải nghiệm trong những dịp Tết cổ truyền là dịp để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về những giá trị truyền thống của dân tộc.
Hà Lý