Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" là phong trào rất thiết thực được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trong toàn ngành giáo dục. Mục tiêu của phong trào là huy động sức mạnh tổng hợp của các các tổ chức xã hội trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả; Phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập và hoạt động xã hội.
Những ngày giáp Tết, nhiều trường học tổ chức trải nghiệm Tết cổ truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, tái hiện không gian, phong tục và không khí Tết cổ truyền. Đây vừa là hoạt động nằm trong các nội dung giáo dục của các trường học, vừa giúp cho học sinh được tham gia trải nghiệm, góp phần lưu giữ những nét đẹp cổ truyền của dân tộc.
Những năm gần đây, các trường học trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chúng đều tổ chức trải nghiệm tết xưa - tết nay, tết sum vầy - xuân chia sẻ... có nét riêng theo điều kiện của trường, nhưng mục đích chính là giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy nét đẹp của cha ông, giáo dục văn hóa tết, giáo dục tình thương yêu, chia sẻ, đặc biệt là giúp các em thực hành kỹ năng trang trí, làm món ăn ngày tết…Các trường từ mầm non đến trung học, từ vùng khó khăn đến thị thành chuẩn bị và tổ chức chu đáo, bài bản để lại nhiều ấn tượng nhất cho học sinh với các hoạt động như gói bánh chưng, viết câu đối thư pháp, thi bày mâm ngũ quả….
Không gian nhà trường trở nên đẹp, rực rỡ sắc hoa, màu cờ, rộn ràng không khí tết. Nơi biên viễn chỉ cành đào núi, lọ hoa rừng, nơi phố thị cờ hoa kết đèn. Những sắc điệu lung linh tạo niềm vui nồng ấm và ý thức về văn hóa tết Nguyên đán của người Á Đông. Thoát khỏi áp lực học tập bài vở, các em học sinh thấy vui và hạnh phúc.
Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực
Thực hiện Chỉ thị số 40/CT-BGD ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về phát động phong trào thi đua trong ngành giáo dục. Trong đó, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được xác định là phong trào lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Để hưởng ứng phong trào này, thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai rộng khắp đến các cấp học trên địa bàn tỉnh. Với 5 mục tiêu xây dựng cơ bản được Ngành giáo dục hướng tới, đó là: Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; Dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh giúp các em tự tin trong học tập; Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh…Đến nay, phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực đã góp phần thay đổi đáng kể nề nếp dạy học và chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Để tạo ra môi trường học thân thiện, giúp cho học sinh có thái độ tiếp thu bài tích cực, hơn ai hết thầy cô giáo phải xác định mình cần phải thay đổi tư duy giáo dục; Tạo ra sự gắn kết gần gũi giữa thầy cô và trò; tạo không gian kết nối, chia sẻ kiến thức thay vì lối dạy truyền thống như trước kia là “ thầy giảng trò nghe”, tiếp thu theo hướng thụ động.
Việc kết hợp các thiết bị giảng dạy hay lựa chọn cách thức truyền tải kiến thức theo phương pháp mới cũng góp phần kích thích sự ham học hỏi của học sinh, tạo ra những tiết học vui nhộn, vừa gần gũi, vừa dễ tiếp thu bài giảng. Bên cạnh đó nhiều trường học đã có sự đầu tư về không gian trong và ngoài lớp học hay xây dựng mô hình “không gian xanh” trong trường học, giúp cho cả giáo viên và học sinh đều có cảm giác thoải mái, hòa đồng, kéo gần khoảng cách giữa cô và trò. Học sinh và giáo viên từ đó thêm yêu trường, yêu lớp và gắn bó với nghề hơn.
Môi trường học thân thiện sẽ góp phần đào tạo nên thế hệ học sinh tích cực, có đạo đức chuẩn mực, biết tiếp thu kiến thức và được trang bị kỹ năng sống ngày một tốt hơn. “Xây dựng trường học thân thiện” cũng là điều kiện, là tiền đề để giáo dục Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung có thêm động lực để nâng cao chất lượng dạy và học. Góp phần đưa nền giáo dục Việt nam sánh vai với các cường quốc năm châu.
Hà Lý