Cập nhật: 13/06/2023 09:20:00
Xem cỡ chữ

Những năm qua, nhận thức của xã hội, người dân, doanh nghiệp về giáo dục nghề nghiệp có những chuyển biến tích cực. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, vấn đề đào tạo nghề đang được chú trọng, được xem là định hướng của xã hội nhằm nâng cao năng suất lao động cũng như tạo dựng nền tảng cho giới trẻ phát triển sự nghiệp, ổn định cuộc sống ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc đã chú trọng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên. Hiện nay, nhà trường có 203 cán bộ, giáo viên, trong đó gần 60% có trình độ thạc sĩ trở lên, trên 96% có trình độ đại học.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường có chuyên môn nghiệp vụ tốt, kỹ năng nghề cao, nhiệt tình trong công việc, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đến nay, nhà trường đã có 9 khoa, quy mô đào tạo 26 ngành nghề, trong đó: hệ cao đẳng 15 ngành nghề, hệ trung cấp 14 nghề, hệ sơ cấp 15 nghề.

Hiện nhà trường được đầu tư 7 nghề trọng điểm, trong đó có 4 nghề cấp độ quốc tế gồm: Công nghệ thông tin - Ứng dụng phần mềm; Cắt gọt kim loại; Điện tử công nghiệp, Điện công nghiệp; 2 nghề cấp độ ASEAN là Công nghệ ô tô; kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí và 1 nghề cấp độ quốc gia là Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các phương tiện giảng dạy và học tập hiện đại trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp góp phần đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng; trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; gắn kết chặt chẽ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động và phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Thu Thủy