Từ “ Kẻ” trong tiếng Việt cổ được hiểu là một vùng đất rộng lớn, dân cư đông đúc, cũng là trung tâm chính trị và văn hóa của những vùng lân cận. Những làng ít dân cư, kinh tế kém phát triển hơn cũng không được gọi là Kẻ mà chỉ đơn thuần gọi là Làng. Kẻ Cánh là tên gọi chung của ba làng Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh. Chữ “Cánh” của tên làng chính là lấy tên từ sản vật địa phương là giống lúa gié cánh nổi tiếng xưa kia. Ý nghĩa ấy được lưu truyền qua mấy câu ca :
Hương Canh tên gọi lúa thơm
Lúa Gié Kẻ Cánh mang ơn đất lành
Tên làng đã có từ lâu
Ghi trong thư tịch, câu đầu, thượng lương.
Làng Tiên, làng Ngọc, làng Hương
Cùng thờ Lục vị Đại vương thành hoàng
Xem trong sử sách rõ ràng
Gié Cánh đặc sản ba làng Hương Canh.
Lịch sử đã sang trang, nhưng di sản văn hóa mãi được kết tinh trong đời sống, trong các công trình kiến trúc, các di tích lịch sử văn hóa cộng đồng đã trở thành truyền thống quý báu của con người, là niềm tự hào, niềm động viên khích lệ cho những thế hệ người dân Hương Canh sau này.
Hương Canh được biết đến với sự nổi tiếng của ba ngôi đình làng thờ các vị thành hoàng làng. Ba ngôi đình: Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh là các công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho hệ thống đình làng Bắc bộ, không chỉ là niềm tự hào của người dân Hương Canh, mà còn là Di sản văn hóa vật thể vô cùng quý giá của dân tộc.
Căn cứ vào nghệ thuật kiến trúc và những khảo tá trong dân gian lại thì cụm đình được xây vào cuối thế kỷ 17- đầu thế kỷ 18 thời Hậu Lê. Trong đó đình Tiên Hường có kiến trúc hình chữ Vương, gồm ba toà Tiền Tế, Trung Tế và Hậu cung đây cũng là kiểu kiến trúc chung của cụm di tích 3 đình Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh tạo thành cụm đình Tam Canh độc đáo.
Cũng như đình Tiên Hường, đình Ngọc Canh và đình Hương Canh thờ 6 nhân vật lịch sử đời Hậu Ngô gọi là Lục vị Thành Hoàng và ba nhân vật phụ nữ khác trong triều đình nhà Ngô đương thời được phối thờ. Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, gần 300 năm nay, đình Tiên Hường vẫn đứng đó như thách thức với nắng mưa, chống chọi với thiên nhiên.
Bộ mái đình đồ sộ, lợp bằng ngói mũi hài, được xếp đặt một cách thứ tự theo kiểu đóng ốc vảy rồng, rất chặt chẽ, phẳng đẹp. Bờ nóc đình được đắp thẳng ke, các đầu đao cong vút. Toàn bộ mái đình trông như một cánh diều khổng lồ sắp sửa bay lên không trung. Ở Hương Canh ngày rằm tháng 2 âm lịch là ngày tế lớn nhất ở ba đình làng trong ba kỳ tế đình. Xưa và nay lễ tế đình có nhiều thay đổi về hình thức. Mỗi thời mang một sắc thái và ý nghĩa riêng nhưng cái cốt lõi của việc tế thần vẫn không hề thay đổi.
Liên quan đến việc thờ phụng lục vị Thành Hoàng, Hương Canh hiện vẫn còn lưu giữ lễ hội kéo song nổi tiếng diễn tả lại việc thao luyện thủy quân của Ngô Vương Quyền trên khúc sông Cà Lồ, làm tiền đề cho chiến công hiển hách đánh thắng quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng năm 938 còn tồn tại và phát huy giá trị nhân văn tới ngày nay.
Cứ trong địa lý mà suy
Ta nay được thế y như quả bầu
Đôi bên hổ phục long chầu
Con sông uốn khúc nhịp cầu bắc ngang
Bên Lò Ngói, bên Lò Cang
Bên thì chợ Cánh quán hàng như nêm”
Từ trong câu ca xưa cho thấy sự phát triển về kinh tế, thương mại của Hương Canh bao đời nay. Một trong những yếu tố làm nên sự thịnh vượng đó là bởi Hương Canh có một làng nghề nổi tiếng.
“Ai về mua vại Hương Canh
Cho Mai lấy Trúc, cho anh lấy nàng”.
Theo các bậc cao niên trong làng, nghề gốm đã có mặt ở đây hơn 300 năm nhưng mãi cho đến những năm 1950-1970, khi xuất hiện hợp tác xã gốm thì làng nghề mới thực sự phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm gốm cung cấp cho nhiều tỉnh/thành trong nước. Những người thợ gốm Hương Canh, đã tạo ra hàng ngàn sản phẩm bằng gốm có độ bền cao, nhiều họa tiết nổi bật mang đậm nét tinh hoa văn hóa làng nghề Việt. Dù không nổi tiếng khắp cả nước như gốm Bát Tràng, nhưng làng gốm Hương Canh, tỉnh Vĩnh Phúc lại có nét đẹp và sức hút riêng biệt.
Ở hiện tại, khi làng nghề đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, mai một dần nhưng vẫn tồn tại và trở thành một trong những làng nghề độc đáo của miền Bắc nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Cũng bởi là cái nôi của các loại gạo thơm, ngon nổi tiếng mà , từ nhiều đời nay, ở ba làng Cánh đã lưu truyền hai món ăn dân dã nhưng rất nổi tiếng được làm ra từ hạt gạo tẻ. Đó là cháo se và bánh hòn.
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Nhớ về làng Cánh bánh hòn cháo se
Người dân lưu giữ rất nhiều giai thoại quanh hai món ăn rất đặc trưng của vùng quê lúa này. Sân đình làng Hương Canh từ xa xưa đến tận ngày nay vẫn giữ lệ dành riêng ngày 25 tháng Chạp âm lịch hằng năm họp chợ tết chỉ để bán cháo se - bánh hòn cho người già và trẻ con khắp vùng quê về thưởng thức. Nhiều đám cưới chân quê chỉ cần tổ chức bằng vài mâm cháo se - bánh hòn mà các đôi uyên ương vẫn sống hạnh phúc bên nhau đến đầu bạc răng long. Không hiếm các cuộc vui gặp mặt đồng môn, mừng con đầy tháng, đầy năm, tiệc mừng sinh nhật, đám khao thọ lên lão… rất trang trọng và tưng bừng chỉ bằng hai thứ đặc sản ấy.
Có những cụ già hơn nửa thế kỷ qua, sáng sớm nào cũng ăn quà sáng bằng cháo se - bánh hòn mà hôm nào vẫn cảm thấy rất ngon miệng. Cháo se - bánh hòn của hai làng Ngọc Canh và Tiên Hường là ngon nhất vùng. Các bà, các chị ở hai làng đó, chỉ qua hai món ăn ấy cũng đủ để chứng tỏ tài năng nội trợ bếp núc của mình. Đó cũng là niềm tự hào của các bà, các chị khi làm những món ăn ấy.
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, bằng sức sáng tạo, các thế hệ nhân dân thị trấn Hương Canh đã nối tiếp nhau xây đắp, giữ gìn các giá trị văn hóa lịch sử từ ngàn đời của cha ông để lại. Những di sản văn hóa được kết tinh bởi trí tuệ, bản lĩnh, tâm hồn và nhân cách Việt Nam, in đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa dân tộc.
Thùy Chung