Cập nhật: 04/10/2024 21:09:00
Xem cỡ chữ

10 ngày sau khi bão số 3 đi qua, cánh đồng trù phú ven dòng sông Hồng của xã Liên Châu, huyện Yên Lạc vẫn còn để lại dấu vết bị ngập sâu trên thân cây phật thủ cao quá đầu người ở đây. Ước tính hơn 680.000m2 diện tích trồng lúa, hơn 200.000m2 diện tích cây hoa màu, gần 700.000m2 diện tích trồng cây ăn quả, cây lâu năm của xã bị thiệt hại nặng nề.

Với gia đình ông Phan Văn Bình ở thôn Nhật Chiêu Ba Trại - người đi đầu đưa giống cây phật thủ về trồng trên diện tích lớn 27ha của xã Liên Châu thì sau trận mưa lũ lịch sử này, gia đình ông vừa mất trắng nguồn thu từ quả dự kiến bán trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Đồng thời, khoảng 50% diện tích cây phật thủ không thể hồi phục được do ngập sâu trong nước nhiều ngày. Ước tính thiệt hại lên đến nhiều tỉ đồng. Sau cảm giác bàng hoàng, xót xa vì mất tiền, mất sức và bao hi vọng cho vụ mùa bội thu không còn nữa, gia đình ông Bình đã bắt tay phục hồi sản xuất ngay khi nước rút.

Vừa cố gắng chăm sóc những cây phật thủ có khả năng hồi phục, vừa ươm lứa giống mới cho mùa vụ mới, người chủ vườn tin tưởng tinh thần nỗ lực và ý chí không khuất phục trước thiên tai, bão lũ sẽ giúp người dân đứng vững vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Cùng với đó, sự đồng hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương, những cơ chế, chính sách hỗ trợ của ngân hàng có ý nghĩa quan trọng, là đòn bẩy giúp các hộ có điều kiện nhanh chóng tái sản xuất.

Cũng ở thôn Nhật Chiêu, Ba Trại, trang trại gà của gia đình bà Phan Thị Hải trong những ngày mưa lũ do bão số 3 và mực nước sông Hồng dâng cao đã bị ngập 70-75cm. Hàng vạn con gà của gia đình bà Hải đã được cán bộ, các tổ chức đoàn thể, người dân, làng xóm hỗ trợ di dời đến nơi an toàn. Tuy nhiên, trong đó có gần 1.000 con gà đẻ trứng đã bị chết. Thiệt hại về kinh tế đối với nông hộ là rất lớn.

Sẽ rất khó để trong một thời gian ngắn, gia đình bà Hải có thể thu lại nguồn vốn đầu tư cũng như đảm bảo có lợi nhuận từ chăn nuôi, song gia đình bà xác định phải khôi phục sản xuất ngay khi nước rút, bởi chỉ có bắt tay khắc phục hậu quả thiên tai thì mới có thể phục hồi sản xuất. Và sự động viên, giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể cùng người dân trong những ngày bão lũ là nguồn động viên tinh thần lớn đối với gia đình bà.

Cùng với sự tích cực thực hiện các biện pháp ổn định môi trường chuồng trại chăn nuôi trở lại, những trang trại chăn nuôi lớn như gia đình bà Hải đã nhận được sự hỗ trợ về kĩ thuật của đơn vị phối hợp cung ứng thức ăn chăn nuôi và đảm bảo thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Đàn gà sau khi phải di dời vì mưa lũ thì chịu tác động lớn, ảnh hưởng đến khả năng đẻ trứng. Số lượng gà đẻ trứng trước đây đạt 40 - 50% của đàn, nay chỉ còn trên dưới 10%, điều này đồng nghĩa với việc sản lượng trứng đã giảm chỉ còn 1/5 đến 1/4 so với trước. Bên cạnh đó, chất lượng trứng chưa đạt độ đồng đều và cần được đầu tư chi phí nhiều hơn để chăm sóc đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi. Bởi vậy khó khăn lớn nhất lúc này của gia đình bà Hải cũng như các hộ dân là nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho sản xuất.

Theo báo cáo của UBND xã Liên Châu, ước tính tổng thiệt hại của địa phương do ảnh hưởng của bão số 3 là xấp xỉ 15 tỉ đồng. Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng người dân trong thiên tai cũng như trong quá trình khắc phục hậu quả sau mưa lũ, xác định đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách lúc này.

Tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, sau ảnh hưởng của bão số 3 và nước sông Lô dâng cao, ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 5,4 tỉ đồng. Trong đó, tổng thiệt hại của các hộ làm nghề đá truyền thống khoảng 1 tỉ đồng. Đến thời điểm này, các cơ sở, hộ làm nghề đã tích cực khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất.

Khắc phục ảnh hưởng sau bão lũ, các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề đang tiếp tục thực hiện mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao thương hiệu sản phẩm của làng nghề. Kịp thời chia sẻ khó khăn với các địa phương và Nhân dân trong tỉnh, ngày 16/9/2024, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 1346 về việc cấp kinh phí cho các huyện, thành phố thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai do cơn bão số 3 gây ra với tổng số tiền là 11 tỉ đồng.

Song song với đó, một số ngân hàng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Vĩnh Phúc 2 đã chỉ đạo các phòng ban và các chi nhánh trực thuộc rà soát, thống kê thiệt hại của toàn bộ các khách hàng chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3. Từ đó, có các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ khách hàng một cách nhanh chóng, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, tạo thêm động lực giúp người dân sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Đi qua ngày mưa lũ, khó khăn còn chồng chất khó khăn. Nhưng với sức mạnh đồng lòng, cùng chung ý chí, khát vọng vươn lên của toàn Đảng và toàn dân ta, nguồn nội lực ấy sẽ không khuất phục trước bất kì gian nan, thử thách nào.

Bên cạnh hàng cây bị gãy đổ, hư hại sau gió bão, người dân đã và đang trồng những hàng cây giống mới, khởi đầu một mùa vụ mới./.

Tuyết Minh