Theo các tài liệu, Làng nghề Mộc truyền thống Bích Chu ở xã An Tường, huyện Vĩnh Tường được hình thành từ 400 năm trước. Trải qua bao thăng trầm cùng những biến thiên lịch sử, nghề được truyền từ đời này qua đời khác và tồn tại, phát triển đến ngày nay.
Nghệ nhân Phùng Văn Vàng được vinh danh là Nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Với gần 70 năm tuổi nghề, ông đã chứng kiến sự đổi thay của sản phẩm làng mộc truyền thống Bích Chu qua nhiều thế kỉ.
Để tạo nên sản phẩm đẹp, đòi hỏi người thợ phải bền bỉ, khéo léo, tính toán chuẩn mực trong từng chi tiết. Luôn trân quí nghề của cha ông để lại và với đôi tay tài hoa, nghệ nhân Phùng Văn Vàng đã tạo nên rất nhiều sản phẩm mộc truyền thống tinh xảo như: sập, gụ, tủ chè và đồ thờ: Ngai, án gian, hoành phi, câu đối, cuốn thư, sập thờ... Ông cũng đã thi công trùng tu, tôn tạo nhiều di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt trong đó, ông đã thực hiện hai công trình nhà thờ Bác Hồ ở tỉnh Tuyên Quang và Khu Di tích K9, Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội. Đối với ông, hai công trình này vô cùng có ý nghĩa, bởi đó không chỉ là trách nhiệm, uy tín của người thợ làng nghề mà còn là sự tri ân của thế hệ hôm nay với vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Ngày nay, ở nhiều nơi còn lưu truyền câu nói: “Nhà tre Đông Mỗ, nhà gỗ Bích Chu” để ca ngợi kĩ thuật đỉnh cao làm nhà gỗ của người thợ Bích Chu. Bao nghệ nhân, người thợ của làng nghề đã đi dựng nhà gỗ khắp muôn nơi. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, bằng cái tâm và tài, những nghệ nhân, người thợ làm nghề đã tạo nên và gìn giữ tinh hoa nghề mộc Bích Chu - đó là sự cẩn trọng từ khâu chọn gỗ nguyên liệu luôn phải đảm bảo chất lượng, đúng theo yêu cầu đến quá trình tạo tác sản phẩm và độ sắc nét, tinh tế trong từng chi tiết, hoa văn.
Đình Bích Chu là Di tích lịch sử cấp quốc gia của địa phương. Đây cũng là nơi in đậm dấu ấn tài hoa của các bậc tiền nhân làm nghề mộc truyền thống nơi đây. Đình còn lưu giữ bộ cửa võng gai dứa 9 lớp do các cụ đục từ xa xưa và được các thế hệ người thợ mộc của làng tu sửa, giữ gìn đến ngày nay.
Đình Bích Chu cũng như các di tích lịch sử văn hóa vừa là nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị hồn cốt của dân tộc, vừa là công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc đặc trưng của vùng miền, trong từng giai đoạn. Đối với những nghệ nhân, người thợ thực hiện công việc thiết kế hay phục dựng, trùng tu các di tích luôn đòi hỏi có sự am hiểu sâu rộng về nghệ thuật kiến trúc theo dòng chảy lịch sử của vùng đất ấy.
“Mỗi khúc gỗ là một câu chuyện. Mỗi đường vân là một dấu ấn thời gian”. Được truyền nghề từ người cha, người bác đều là thợ giỏi của làng nghề, ngay từ nhỏ, ông Phùng Văn Dích đã say mê sáng tạo những sản phẩm từ nghề mộc và trở thành người Nghệ nhân “thổi hồn” vào những thớ gỗ, làm nên sức sống bền bỉ cho bao ngôi nhà cổ. Để hòa nhịp trong cuộc sống đương đại, Nghệ nhân Phùng Văn Dích không ngừng sáng tạo, đổi mới mẫu mã sản phẩm để thiết kế đồ mộc cao cấp, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông cũng truyền nghề cho thế hệ con cháu và rất nhiều người thợ của làng nghề.
Tâm huyết và “ngọn lửa” nghề mộc được trao truyền qua các thế hệ đã làm nên sức sống mãnh liệt của làng nghề mộc truyền thống Bích Chu. Cả thôn hiện có gần 1.000 hộ dân và gần như hộ gia đình nào cũng làm nghề mộc. Tự hào là vùng đất có nghề truyền thống lâu đời với tầng tầng văn hóa được bồi đắp qua thời gian, những người làm nghề mộc Bích Chu hôm nay đã và đang cùng nhau đoàn kết để đưa sản phẩm của làng nghề ngày càng vươn xa.
Nghề mộc truyền thống đã mang lại sự trù phú cho người dân thôn Bích Chu và góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. Tuy vậy, những người làm nghề đang đang phải đối diện với không ít khó khăn do thiếu mặt bằng, thiếu vốn sản xuất, vấn đề môi trường..., rất cần có sự đồng hành của các cấp, các ngành để tạo nên sự phát triển bền vững cho làng nghề.
Thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt bởi những sản phẩm thay thế đồ mộc ngày càng phong phú, đa dạng. Đây cũng là một cái khó với những người thợ làm nghề truyền thống. Nhưng với niềm đam mê, tình yêu và trách nhiệm giữ gìn và phát huy nghề truyền thống từ cha ông để lại, cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, những thế hệ nghệ nhân, người thợ Bích Chu hôm nay sẽ tiếp tục làm nên sức sống mới cho sản phẩm mộc truyền thống trong thời kì hội nhập.
Tuyết Minh