Điện Biên là tỉnh vùng cao, phía Tây Bắc của Tổ Quốc, là địa bàn chiến lược trong thế trận quốc phòng toàn dân, là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Lào và Trung Quốc ( giáp Trung Quốc 38,5 km, giáp Lào 360 km ), là trung tâm của những con đường giao thông nối liền biên giới Việt Nam với Lào, Thái Lan, Miến Điện, Trung Hoa.
Nơi đây đã được Pháp, Mỹ coi là ngã tư chiến lược, là căn cứ không quân và lục quân có vị trí then chốt, lợi hại. Mảnh đất này qua bao đời đã từng có nhiều kẻ thù nhòm ngó đến xâm lược như: giặc Phẻ, giặc Cờ Vàng, Nhật, Tưởng, Pháp, Mỹ; trong đó Pháp đã có tới 3 lần đến chiếm đóng tại Điện Biên ( 1890, 1946, 1953 ), song các kẻ thù xâm lược đều bị thất bại. Điện Biên đã trở thành địa danh lịch sử của Tổ quốc.
Trong dòng chảy của lịch sử, Điện Biên luôn có sự thay đổi và phát triển về đơn vị hành chính. Từ một huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh Lai Châu, đến năm 2003 Điện Biên đã trở thành một tỉnh trực thuộc TƯ có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội và quân sự, quốc phòng. Tỉnh Điện Biên có cửa khẩu quốc tế Tây Trang ( tiếp giáp với tỉnh Phong Xa Lỳ - Lào) và cửa khẩu quốc gia Huối Puốc ( giáp tỉnh Luông Pha Bang – Lào). Diện tích tự nhiên 9.954, 12km2, dân số hơn 46 vạn người, có 21 dân tộc ( trong đó dân tộc Thái chiếm 40, 4 %, dân tộc Mông 28,8%, dân tộc Kinh 19,7%, dân tộc Khơ Mú chiếm 3,2%, dận tộc Hà Nhì 2%, còn laioj là một số dân tộc khác ). Mật độ dân số bình quân 48 người/ km2. Tổ chức hành chính của tỉnh gồm 7 huyện, 1 thị xã, một thành phố và 106 xã, phường.
Điện Biên có tiềm năng về du lịch, có cảng hàng không thuận tiện cho giao thông, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng như: Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ, thành Bản Phủ, đền Hoàng Công Chất, rừng nguyên sinh Mường Nhé, Mường toong, hồ Pa Khoang, động Tiên Sơn, động Pha Thơm, suối nước khoáng nóng Hua Pe. Về nông nghiệp đã và đang trồng nhiều loại cây khác nhau như: cây cao su, cà phê, chè, lúa, ngô, khoai, mía; gạo Điện Biên đã có thương hiệu trên thị trường…
55 năm sau ngày chiến thắng Điện Biện Phủ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn thử thách, đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Cùng với sự phát triển chung của cả nước, tỉnh Điện Biên – mảnh đất địa danh lịch sử đã ngày càng được đổi mới.
Trên lĩnh vực sản xuất nông – lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện, giá trị tăng bình quân 5,14 %/ năm, giữ vững sự phát triển ổn định, bền vững khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc. Đã qui hoạch, đầu tư phát triển vunghf cây công nghiệp dài ngày như: cà phê ở Điện Biên, Mường Áng; chè ở Tủa Chùa; tiếp tục điều tra khảo sát qui hoạch phát triển cây cao su và các loại cây công nghiệp ngắn ngày.
Sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng bình quân 13,6%/ năm. Với tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và năng động, sáng tạo, Điện Biên đã phát huy hiệu quả các cơ sở công nghiệp hiện có, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển thủy điện, nhà máy xi măng, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản và chế biến nông sản.
Các ngành dịch vụ tăng trưởng khá, phát triển cả về mạng lưới và qui mô; nhịp độ tăng bình quân 14,35% / năm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất hàng hóa; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng bình quân 24,3%/ năm, đảm bảo mặt hàng thiết yếu phục vụ đồng bào vùng cao, dân tộc thiểu số. Hạ tầng thương mại khu kinh tế cửa khẩu Tây Trang, Huối Puốc từng bước được đầu tư xây dựng cơ bản. Du lịch phát triển ổn định, lượng khách và doanh thu du lịch tăng khá.
Trong 3 năm ( 2006 – 2008 ) tổng mức vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội được huy động ước đạt 5.337 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với thời kỳ 2001 – 2005; trong đó đã đưa vào ưu tiên cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông đô thị và nông thôn ( đến nay 104/106 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm) các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng được kiên cố hóa; phát triển lưới điện quốc gia; xây dựng, cải tạo hệ thống cấp nước đô thị; kiên cố hóa các trường, lớp học; cải tạo nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế; hệ thống cơ sở hạ tầng văn hóa thể thao có sự phát triển.
Công tác giáo dục đào tạo đạt kết quả tích cực. Mạng lưới trường, lớp, số lượng học sinh tiếp tục phát triển ở các ngành học, cấp học và bậc học; chất lượng dạy và học được nâng lên từng bước. Tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 92,8%, tỷ lệ học sinh tiểu học nhập học đúng độ tuổi đạt 96,5%, tỷ lệ học sinh THCS nhập học đúng độ tuổi đạt 63,4%, học sinh THPT đạt 45,2%. Đến cuối năm 2007 có 74/106 xã, phường được công nhận đạt phổ cập giáo dục THCS, đến năm 2008 có 100% xã, phường được công nhận đạt phổ cập giáo dục THCS.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, dân số GĐ và TE được tăng cường. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố đầu tư và phát triển cả về chất và lượng; 28% số trạm y tế xã đạt chuẩn; 9,4% số trạm xá có bác sỹ; chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, hàng năm 100% số xã , phường và 95% trẻ em được tiêm chủng mở rộng.
Công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai tích cực. Từ năm 2005 – 2008 có gần 10 ngàn hộ thoát khỏi đói nghèo. Hộ nghèo giảm từ 44,6% năm 2005 xuống còn khoảng 28,92% năm 2008. Khai thác, quản lý và sử dụng các nguồn vốn vay và lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án có hiệu quả, giải quyết việc làm mới cho trên 6000 lao động trên năm.
Thực hiện tốt chính sách xã hội và bảo trợ xã hội; thường xuyên quan tâm đối với các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; chăm sóc người già cô đơn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần.
Hoạt động văn hóa thông tin thể thao có nhiều cố gắng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị; phong trào xây dựng gia đình, thôn, bản văn hóa triển khai rộng rãi và được nhân dân hưởng ứng. Đến hết năm 2008 có 53.750 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, tăng 2,6 lần so với năm 2005; số thôn, bản có nơi sinh hoạt cộng đồng đạt 10%. Phong trào thể dục, thể thao được duy trì và từng bước mở rộng.
| Trích Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ( 7.5.1954 – 7.5.2009 ) |