Từ đầu năm đến nay, ở nước ta đã xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết bất thường. Ðầu mùa đông, hoạt động của không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta ít và yếu hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN).
Ðến ngày 22-12-2008 mới xảy ra đợt rét đậm, rét hại đầu tiên và tính đến hết tháng 1, chỉ có ba đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sang tháng 2, hoạt động của không khí lạnh giảm đột ngột, hầu như không có đợt nào, làm cho nền nhiệt độ ở các tỉnh miền bắc nước ta rất cao, nhiều nơi ở Bắc Bộ, nhiệt độ trung bình trong tháng 2-2009 cao chưa từng thấy; tại Hà Nội, nhiệt độ trung bình lên tới 22,5oC, cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc từ năm 1927 đến nay.
Trong khi đó, ở các tỉnh thuộc Nam Bộ và Tây Nguyên, những tháng mùa khô vừa qua lại xảy ra nhiều đợt mưa trái mùa với tổng lượng mưa khá lớn. Ðầu tháng 1, do tác động của không khí lạnh, các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa đo được từ ngày 31-12-2008 đến ngày 6-1-2009 phổ biến 100 - 300 mm; riêng Quảng Ngãi 300 - 400 mm. Trong tháng 2, ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng xuất hiện những trận mưa trái mùa, cho nên tổng lượng mưa tháng vượt mức TBNN 50 - 150%.
Cả tháng 2 hầu như không có đợt không khí lạnh nào ảnh hưởng đến nước ta thì sang tháng 3, các tỉnh phía bắc lại chịu ảnh hưởng nhiều đợt gió mùa đông bắc. Ðợt gió lạnh tràn về ngày 12-3 với cường độ mạnh chưa từng xảy ra ở vào tháng này trong lịch sử, gây sóng to gió lớn dọc theo ven biển các tỉnh Trung Bộ, làm lật và đắm một số tàu, thuyền.
Ngày 3-5, cùng một ngày với cơn bão số 1 hình thành trên Biển Ðông (tên quốc tế là Chan-hom), thì trên vùng biển Tây Thái Bình Dương cũng hình thành cơn bão số 1 trên vùng biển thuộc phía đông quần đảo Philippines (tên quốc tế là Kugira). Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư thì đây là hai cơn bão đầu mùa đúng với quy luật thời tiết. Nhưng sự khác thường là cả hai cơn bão đều di chuyển về phía bắc - đông bắc, là hiện tượng hiếm thấy. Vào đầu mùa mưa, trong các ngày từ 8 đến 10-5, các tỉnh thuộc phía nam đồng bằng Bắc Bộ đã xảy ra một đợt mưa lớn. Lượng mưa phổ biến ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Nam Ðịnh, Ninh Bình và phía bắc tỉnh Thanh Hóa đo được trên dưới 200 mm; riêng khu vực rừng Cúc Phương, mưa 500 mm. Ðây cũng là hiện tượng hiếm xảy ra trong hàng chục năm trở lại đây.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hiện tượng La Ni-na ảnh hưởng đến các tỉnh phía nam nước ta đã kết thúc vào tháng 4-2009, cho nên mùa mưa, bão, lũ năm nay không bị ảnh hưởng hoặc tác động của hiện tượng La Ni-na. Năm 2009, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Ðông có khả năng nhiều hơn mức TBNN. Số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta có khả năng nhiều hơn so với TBNN (TBNN là 5, 6 cơn) và nhiều hơn năm 2008. Nền nhiệt độ trong mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 10) ở khu vực phía tây Bắc Bộ xấp xỉ mức TBNN; phía đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ cao hơn một ít so với TBNN; khu vực Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thấp hơn một ít so với TBNN.
Trong những tháng đầu và giữa mùa hè có khả năng xảy ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài hơn so với mùa hè năm 2008. Ở các tỉnh thuộc Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 38 - 40oC. Tổng lượng mưa từ tháng 5 đến tháng 10 trên phạm vi cả nước phổ biến ở mức cao hơn hoặc xấp xỉ TBNN. Mùa mưa, bão năm nay, lũ trên các sông ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện phù hợp với quy luật và đỉnh lũ trên các hệ thống sông thấp hơn đỉnh lũ năm 2008. Ðỉnh lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng cao hơn TBNN; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và Tây Nguyên ở mức TBNN và cao hơn năm 2008. Lũ đầu mùa ở Nam Bộ có khả năng xảy ra vào cuối tháng 6 đầu tháng 7. Ðỉnh lũ cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu, sông Hậu tại Châu Ðốc xấp xỉ mức TBNN, tương đương báo động 3 và cao hơn đỉnh lũ năm 2008.
Trên đây là nhận định xu thế khí tượng, thủy văn cho cả mùa mưa, bão, lũ. Ngoài ra, Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư còn phát hành các bản tin dự báo hạn vừa (10 ngày). Các bản tin dự báo và nhận định này chỉ có mức độ chính xác nhất định. Vì vậy, trước những biến động bất thường của thời tiết trong mấy năm gần đây, việc theo dõi chặt chẽ những hiện tượng thời tiết bất lợi như bão, lũ, mưa lớn qua các bản tin dự báo thiên tai, dự báo thời tiết hằng ngày để chủ động phòng tránh vẫn là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất trong việc giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo Báo ND