Cập nhật: 13/06/2011 16:09:16 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chính sách thắt chặt thị trường ngoại hối và tín dụng ngoại tệ, cùng với việc mở rộng các kênh bơm vốn VNĐ đã giúp hệ thống ngân hàng cải thiện thanh khoản tiền đồng. Lượng tiền VNĐ huy động từ dân tăng là cơ sở để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

 

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 14 quy định giảm trần lãi suất tiền gửi bằng USD xuống mức 2% đối với cá nhân và 0,5% đối với doanh nghiệp. Và chỉ sau một tuần, số lượng cá nhân, tổ chức đến các ngân hàng thương mại chuyển tiết kiệm USD sang VNĐ đã tăng nhanh. Việc người dân chuyển tiết kiệm sang tiền đồng khiến lượng huy động ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại giảm. Đến cuối tháng 5.2011, số dư tiền gửi VNĐ trong toàn hệ thống ngân hàng tăng 1,32%, trong khi USD lại giảm 1,96%. Qua đó đưa tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng đạt mức tăng 1,4% so với cuối năm 2010. Theo đại diện nhiều ngân hàng thương mại, trong thời gian tới, lượng tiền VNĐ được huy động sẽ tiếp tục tăng. Việc trần lãi suất huy động USD giảm xuống 2%/năm càng củng cố xu hướng này khi triển khai các giải pháp để chống đôla hóa nền kinh tế.

 

Dòng vốn giữa VNĐ và ngoại tệ vào ngân hàng có thay đổi nhanh chóng là kết quả của chính sách thắt chặt tín dụng nói chung, cũng như với ngoại tệ nói riêng đang được Ngân hàng Nhà nước áp dụng trong thời gian qua. Đặc biệt, việc giảm lãi suất huy động ngoại tệ đã tác động đến tâm lý của người dân. Bởi quyết định tiếp tục giảm trần lãi suất huy động USD đã khiến sức hấp dẫn của đồng tiền này thấp hơn so với tiền gửi VNĐ. Ngoài ra, do phải tăng dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ, nên các ngân hàng nhiều khả năng sẽ tiến hành điều chỉnh tăng dần lãi suất cho vay. Như vậy, hoạt động cho vay bằng ngoại tệ sẽ được các ngân hàng tiến hành thận trọng, chặt chẽ hơn. Và dư nợ cho vay bằng ngoại tệ theo đó sẽ khó tăng mạnh như các tháng đầu năm nay. Với các chính sách để chống đôla hóa đang được áp dụng, nhiều ý kiến cho rằng, những tháng cuối năm sẽ là thời gian cho tín dụng tiền đồng được đẩy mạnh, bù lấp sự thu hẹp của tín dụng ngoại tệ.

 

Thực tế, hiện nay đã có một vài tín hiệu tích cực xuất hiện từ nguồn cung tiền đồng ra thị trường từ đáo hạn trái phiếu chính phủ, giảm mạnh dư nợ cho vay phi sản xuất cũng như tình trạng thanh khoản tiền đồng được cải thiện rõ rệt. Một số các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước thời gian gần đây nhằm bảo đảm  thanh khoản của ngân hàng đã tác động tích cực đến việc giảm mặt bằng lãi suất. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã tái cấp vốn hơn 70.000 tỷ đồng cho một số ngân hàng, mua vào 1 tỷ USD hay quyết định tăng lãi suất thị trường mở (OMO) lên 15%... Do vậy, hiện một số tổ chức tín dụng đã giảm nhẹ lãi vay khoảng 0,3-0,5%/năm. Tín hiệu dù nhỏ song tích cực báo hiệu một điểm rơi lãi suất tiền đồng, theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, có thể xuất hiện cuối quý III đầu quý IV tới.

 

Tuy nhiên, trong khi tín dụng VNĐ tháng 4.2011 giảm 0,62%, thì cho vay bằng USD tăng tới 2,48%. Hiện tiết kiệm bằng ngoại tệ đóng góp khoảng 70% nhu cầu cho các nhà băng. Như vậy, khi đầu ra và đầu vào ngoại tệ có sự lệch pha, thì căng thẳng thanh khoản trong tương lai là câu chuyện cần được tính đến. Theo các chuyên gia, điều kiện cần là làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn bằng ngoại tệ. Các biện pháp điều chỉnh đối với thị trường ngoại tệ đã mang lại kết quả bước đầu. Nhưng có thể thấy, để người dân chuyển dịch sang gửi tiết kiệm bằng tiền đồng thì quan trọng hơn là phải xây dựng lòng tin với đồng nội tệ, không để tiền đồng mất giá.  Các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước sẽ là không đủ nếu lãi cho vay VNĐ chưa giảm.

 

 

Theo Lê Bình/Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm