Trong khi Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định là chỉ bảo hiểm cho tiền gửi là Việt Nam đồng thì rất nhiều đại biểu phân tích, bảo hiểm cho cả ngoại tệ và vàng chỉ có lợi chứ không có hại…
Theo đại biểu Phạm Huy Hùng (TP Hà Nội), tiền gửi ngoại tệ của dân cư là khoản sở hữu hợp pháp của người dân bằng nhiều cách có được như làm việc ở các tổ chức nước ngoài, kiều hối. Một khi các ngân hàng thương mại còn được phép huy động tiền gửi ngoại tệ thì ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm với các khoản tiền gửi của dân cư.
Đại biểu Hùng cũng phân tích rằng từ nay đến năm 2020, Việt Nam vẫn rất cần một lượng ngoại tệ lớn để phát triển kinh tế, vẫn coi trọng nguồn kiều hối đầu tư trực tiếp, gián tiếp và các doanh nghiệp vẫn cần lượng ngoại tệ lớn để thanh toán. Hơn nữa, trong hoạt động về cán cân thanh toán thương mại hiện nay khi chưa chuyển được quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán thì vẫn phải tính đến khoản tiền gửi ngoại tệ của dân cư.
Đặc biệt, trong những ngày vừa qua, một số đại biểu e ngại rằng, nếu bảo hiểm cả tiền gửi là ngoại tệ thì sẽ tăng thêm tình trạng mua và tích trữ đô la, vàng. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Huy Hùng đã phân tích cho thấy, lo lắng này là không có cơ sở mà ngược lại, có thể giúp hạn chế đô la hoá.
“Không nên cho rằng nếu bảo hiểm tiền gửi ngoại tệ sẽ tăng thêm tình trạng đôla hóa, hiểu như vậy chúng tôi cho rằng chưa đúng. Đôla hóa mạnh nhất chính là ở chỗ thanh toán chi trả trong dân bằng đôla, cho vay bằng đôla của các tổ chức tín dụng. Còn khi dân cư có ngoại tệ, các ngân hàng thương mại huy động vào ngân hàng chính là hành vi hạn chế đôla hóa. Hoặc cho rằng bảo hiểm tiền gửi cho cả tiền gửi bằng đôla sẽ cổ súy cho việc cất trữ đôla, điều này cũng không hẳn, bởi một khi sức mua Việt Nam đồng ổn định, uy tín được nâng cao, người dân tin tưởng vào đồng Việt Nam thì lập tức cất giữ bằng các loại ngoại tệ cũng như vàng sẽ giảm. Chúng tôi đề nghị phạm vi bảo hiểm tiền gửi là tất cả tiền gửi của cá nhân, hộ gia đình bao gồm cả tiền Việt Nam đồng và ngoại tệ đều được bảo hiểm” - đại biểu Phạm Huy Hùng phân tích rõ.
Nên thực hiện chi trả bảo hiểm cả đối với người gửi tiền bằng vàng, ngoại tệ
Đồng quan điểm với đại biểu Phạm Huy Hùng, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng, tình trạng vàng, ngoại tệ hiện nay đang tích lũy trong dân hoặc trôi nổi trên thị trường rất lớn. Nhà nước ta cần có chính sách bảo hiểm đối với loại tiền gửi bằng vàng, bằng ngoại tệ. Theo ông, để tránh hiện tượng giao dịch bằng vàng hoặc ngoại tệ, việc tính phí bảo hiểm và chi trả bảo hiểm đối với người gửi tiền bằng vàng, ngoại tệ sẽ được quy đổi ra Việt Nam đồng phù hợp với chính sách của Việt Nam.
Đại biểu Trương Minh Hoàng - Cà Mau cũng cho biết, ông đồng tình với đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo và đại biểu Phạm Huy Hùng. Ông cho rằng, việc gửi ngoại tệ và gửi vàng được quy định cụ thể ra Việt Nam đồng để quản lý nguồn trong dân còn rất nhiều là rất cần thiết. “Như thế sẽ tránh được tình trạng thả nổi, trôi nổi thị trường vàng và ngoại tệ như hiện nay. Về vấn đề này tôi rất mong các đại biểu Quốc hội nên ủng hộ quan điểm là chúng ta quy đổi ra Việt Nam đồng về vàng và ngoại tệ để chúng ta đưa vào luật thực hiện theo như điều khiển, chi phối của Luật tiền gửi ở đây” - đại biểu Trương Minh Hoàng nói.
Quan trọng nhất là bảo hiểm giảm thiểu rủi ro
Trong khi hầu hết các đại biểu thảo luận xung quanh vấn đề nên bảo hiểm tiền những loại tiền nào và chi trả mức bao nhiêu tiền, thì đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho rằng mô hình bảo hiểm tiền gửi giảm thiểu rủi ro, trong đó nội dung chủ yếu là có chủ động giám sát trong hoạt động ngân hàng phòng, chống rủi ro mới là mô hình phổ biến hiện nay và chúng ta cần hướng tới.
“Bảo hiểm tiền gửi chi trả đơn giản. Tức là theo mô hình thu phí chi trả mà thường áp dụng cho các nước chậm phát triển. Còn mô hình bảo hiểm tiền gửi giảm thiểu rủi ro trong đó nội dung chủ yếu là có chủ động giám sát trong hoạt động ngân hàng phòng, chống rủi ro. Mô hình này đang được áp dụng rất phổ biến và đặc biệt những năm gần đây trên thế giới. Hiện nay mô hình của chúng ta đang thực hiện là bảo hiểm tiền gửi của chúng ta đang tiến dần lên bảo hiểm tiền gửi giảm thiểu rủi ro, hai cái này là quan trọng, chúng ta đã là cơ quan trực thuộc Chính phủ và đã giao cho bộ phận bảo hiểm tiền gửi một số nhiệm vụ giảm thiểu rủi ro, họ đã hoạt động thành công. “Trong dự thảo mô hình bảo hiểm tiền gửi hiện nay chúng ta chọn mô hình chi trả mở rộng, tức là giảm thiểu rủi ro và trên chi trả đơn giản một chút, nghĩa là chúng ta hạ thấp so với hiện hành chúng ta đang thực hiện” - đại biểu Cao Sĩ Khiêm nói.
Đại biểu tỉnh Thái Bình cũng cho biết, Ngân hàng thế giới góp ý là dự thảo chưa thể hiện được nguyên tắc cơ bản của Ủy ban giám sát ngân hàng và Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế, chưa làm rõ được phạm vi, quyền hạn của cơ quan bảo hiểm tiền gửi, dự thảo chưa nêu rõ được giảm thiểu rủi ro. Trong dự thảo có phần nêu là đang tiến đến giảm thiểu rủi ro, nhưng thiết kế các điều khoản cụ thể lại trở lại mô hình chi trả đơn giản, đây là vấn đề không rõ ràng.
Trong khi đó, đại biểu Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp) phân tích, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng có thể phá sản, cho nên chưa thực sự an toàn cho người được bảo hiểm tiền gửi. Do đó, đại biểu này đề nghị Quốc hội xem xét quy định rõ thêm tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là loại hình doanh nghiệp xếp loại đặc biệt được Chính phủ thành lập và hỗ trợ giao cho ngân hàng Nhà nước quản lý.
Theo Xuân Hưng/VnMedia